Chính phủ phải dùng tiền trả nợ thay nhiều dự án bảo lãnh

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:14, 04/08/2019

Nhiều dự án được Chính phủ bảo lãnh do khó khăn về tài chính đã không có khả năng trả nợ, đang phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn hoặc phải tái cơ cấu do nợ quá hạn cao, hoặc Chính phủ phải dùng nguồn tiền từ Quỹ Tích lũy trả nợ quốc gia trả nợ thay.

Ngành điện được bảo lãnh nhiều nhất

Báo cáo tổng hợp tình hình bảo lãnh Chính phủ năm 2018 của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết năm 2018,tổng giá trị các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh lên tới 27,7 tỉ USD, gồm: 23,6 tỉ USD vốn vay nước ngoài, 4,1 tỉ USD vốn vay trong nước.

Báo cáo thống kê các dự án cho vay chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực điện lực, dầu khí, hàng không và một số dự án xi măng, sản xuất giấy (các dự án này hầu hết mất khả năng chi trả và Chính phủ đã phải đứng ra trả nợ thay nhiều năm nay). Ngành điện là ngành chiếm tỷ trọng bảo lãnh nhiều nhất, tập trung chủ yếu tại một số tập đoàn lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản (TKV-Vinacomin)...

Tổng vốn Chính phủ đã cấp bảo lãnh cho EVN đến 31.12.2018 là 10,1 tỉ USD, PVN là 3,3 tỉ USD, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là 615 triệu USD, TKV là 578,2 triệu USD, và các công ty khác là 2,6 tỉ USD. Tổng cộng bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lũy kế đến 31.12.2018 là 17,3 tỉ USD.

Như Một Thế Giới đã đưa tin trước đó, ông Võ Hữu Hiển - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết năm 2018, Chính phủ đã thực hiện cấp bảo lãnh cho 2 dự án điện của EVN và PVN là: Dự án Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 mở rộng và Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tổng giá trị là 1,614 tỉ USD (hơn 37.000 tỉ đồng).

Dự án ngành điện gặp khó khăn dài hạn trong vận hành và trả nợ được Bộ Tài chính chỉ ralà Xekaman 3 của Công ty cổ phần Điện Việt Lào, do bị sự cố địa chất bất khả kháng và vẫn đang trong quá trình khắc phục. Hiện công ty gặp khó khăn trong thu xếp vốn cho việc khắc phục cũng như trả dần các khoản nợ quá hạn với các bên cho vay.

Bộ Tài chính trước đó từng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần chủ động nguồn lực tài chính, nghiên cứu vay vốn theo phương thức tự vay, tự trả trên thị trường trong nước hoặc quốc tế, không có bảo lãnh chính phủ để đảm bảo cơ cấu lại các khoản nợ công, giảm tỷ trọng nợ vay nước ngoài.

Ngoài lĩnh vực điện, lĩnh vực hàng không cũng được Chính phủ bảo lãnh cho vay hàng tỉ USD, trong đó gồm Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Công ty Cổ phần Cho thuê máy bay (VALC). Cụ thể, VNA được bảo lãnh vay nợ 1,03 tỉ USD, VALC được bảo lãnh cho vay nợ 297,4 triệu USD.

Chính phủ cũng bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tính đến hết năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát hành thêm 9.670 tỉ đồng trái phiếu, nâng mức dư nợ bảo lãnh trái phiếu lên 39.331 tỉ đồng. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được bảo lãnh phát hành thêm 16.545 tỉ đồng, nâng tổng dư nợ trái phiếu lên 118.406 tỉ đồng, giảm 7.885 tỉ đồng so với dư nợ đầu kỳ.

Chính phủ trả nợ thay

Bộ Tài chính cho biết trong năm 2018, quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng ra chi trả cho một số khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Riêng với dự án Nhà máy giấy Phương Nam, quỹ tích lũy trả nợ phải chi 97 triệu USD để trả nợ gốc và lãi vay nước ngoài. Nhưng đến nay, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Namvẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy giấy Phương Nam để thu hồi vốn trả quỹ tích lũy trả nợ.

Thông tin trên đượcBộ Tài chính đưa ra. Theo đó, dự án Nhà máy giấy Phương Nam được đánh giá là hoàn toàn mất khả năng trả nợ và đang phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn. Do khó khăn về tài chính nên dự án không thể trả nợ các kỳ từ năm 2008 đến nay và quỹ tích lũy trả nợ buộc phải ứng tiền trả nợ thay.

Bên cạnh đó, một loạt các dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh nợ vay cũng đang gặp khó khăn, có nợ quá hạn cao, như dự án Xi măng Thái Nguyên, Xi măng Đồng Bành, Xi măng Hạ Long và đang phải thực hiện tái cơ cấu tài chính với Quỹ Tích lũy trả nợ.

Nhiều văn bản của Chính phủ về đảm bảo an toàn nợ công giai đoạn 2020 đến 2030 ghi rõ việc giảm dần cấp bảo lãnh chính phủ từ năm 2016 và tạm dừng cấp bảo lãnh mới từ năm 2017. Như tuyên bố mới nhất của Bộ Tài chính hôm 1.3.2017 là ngay từ năm nay đã dừng cấp bảo lãnh chính phủ đối với các dự án vay nợ trong nước.

Bảo lãnh chính phủ thuộc phạm vi của nợ công. Từ trước đến nay, Chính phủ chưa đứng ra bảo lãnh cho bất cứ đối tượng doanh nghiệp nào ngoài doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng tuyên bố nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nướckhông tính vào nợ công nhằm đảm bảo sự công bằng với các thành phần doanh nghiệp khác theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp.

"Nhưng nếu muốn công bằng thực sự, trước hết cần phải thống kê được hiệu quả sử dụng vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ ở các dự án, dự án nào khó khăn về trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ, phải cơ cấu lại nợ. Tổng số tiền trả nợ thay đến nay là bao nhiêu? Vì sao các dự án không trả được nợ?", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuyết Nhung

tuyetnhung