Các trường học gắn ‘mác’ quốc tế chủ yếu nhằm mục đích marketing
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:34, 08/08/2019
Liên quan đến việc một học sinh lớp 1 Trường phổ thông quốc tế Gateway ở Hà Nội tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh hằng ngày,phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật SBLaw để làm rõ một số vấn đề liên quan.
Cơ quan điều tra vừa quyết định khởi tố vụ án ‘vô ý làm chết người’ tại trường Tiểu học Gateway theo điều 128-BLHS. Cá nhân ông đánh giá quyết định này như thế nào?
Ls Nguyễn Thanh Hà: Việc xem xét trách nhiệm, xử lý trách nhiệm hình sự ở đây như thế nào, có hay không thì còn tùy thuộc vào việc quá trình điều tra tới đây của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong vụ việc này, việc cháu bé bị bỏ quên trên xe dẫn đến tử vong là do hành vi cẩu thả của người có trách nhiệm.
Do đó, đối với cán bộ, nhân viên trực tiếp đưa đón, quản lý các bé, các xe đưa rước, cần phải xem xét khởi tố hành vi "Vô ý làm chết người" theo Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo đó, việc cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án ‘vô ý làm chết người’ tại trường Tiểu học Gateway là hoàn toàn hợp lý.
Vậy theo ông, trong vụ việc này, cụ thể những ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Ls Nguyễn Thanh Hà: Trong vụ việc này, đối với cán bộ, nhân viên trực tiếp đưa đón, quản lý các bé, các xe đưa rước, cần phải xem xét khởi tố hành vi "Vô ý làm chết người" theo Điều 128 bộ luật Hình sự.
Đó là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.
Với cô chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường, cần xem xét hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" vì đã không kiểm soát sĩ số, không thông báo cho gia đình về sự vắng mặt bất thường của cháu bé.
Ngoài ra, nhà trường còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trong đó bao gồm toàn bộ thiệt hại liên quan đến chi phí y tế, chi phí mai táng và tổn thất về tinh thần.
Tuy nhiên, cũng cần có kết quả điều tra mới có thể quy trách nhiệm cụ thể.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho hay trong giấy phép thành lập trường Tiểu học quốc tế Gateway không có chữ “quốc tế”. Theo quy định pháp luật hiện tại thì không có tiêu chí trường quốc tế. Ông có bình luận như thế nào về vấn đề này?
Ls Nguyễn Thanh Hà: Điều 29 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục có quy định về việc đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được quy định như sau:
“1. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động dưới hình thức trường hoặc trung tâm và được đặt tên theo quy định sau:
a) Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng...
2. Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
3. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương...”.
Hiện khái niệm trường quốc tế ở Việt Nam chưa định nghĩa được vì chưa có văn bản nào quy định thế nào là trường quốc tế.
Các trường quốc tế hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai.
Tóm lại, trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế.
Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường và phục vụ cho mục đích marketing.
Theo ông, còn những vấn đề nào cần làm rõ trong vụ việc này?
Ls Nguyễn Thanh Hà: Thứ nhất, theo quy trình đưa đón tại nhiều trường, mỗi sáng, tài xế cùng giáo viên phụ trách di chuyển qua các điểm để đón học sinh. Khi xuống xe vào trường, trẻ phải xếp hàng, cô quản xe điểm danh rồi mới dắt vào lớp giao cho giáo viên, giáo viên ghi nhận và điểm danh học sinh một lần nữa. Thường giáo viên phụ trách hoặc lái xe sẽ kiểm tra lại lần cuối cùng xem trong xe có còn ai rồi mới xuống xe, nhất là khi đưa đón các lớp nhỏ.
Đặc biệt, trong trường hợp này, giáo viên đã không phát hiện học sinh vắng mặt hay biết mà không báo cho phụ huynh? Vậy lỗi quy trình là ở đâu? Cần làm rõ điều này.
Thứ hai, thời điểm cháu bé tử vong là khi nào? Trước hay sau khi đến bệnh viện. Theo như thông báo của nhà trường, “Vào khoảng 16 giờ, phát hiện sự việc có một học sinh lớp 1 của trường "bất tỉnh trên xe buýt”. Do đó, cần làm rõ điểm này.
Dưới góc nhìn của một luật sư, theo ông, làm thế nào để không có những vụ việc đau lòng như thế này tiếp diễn, thưa ông?
Ls Nguyễn Thanh Hà: Tại các thành phố, rất nhiều gia đình không có nhiều thời gian để có thể đưa đón các cháu bé đi học, do đó việc nhà trường tổ chức đưa đón đã giúp ích rất nhiều cho gia đình các bé. Tuy nhiên, qua sự việc đau lòng xảy ra tại Trường Quốc tế Gateway, thiết nghĩ, đã đến lúc gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng cần xây dựng các quy trình cụ thể của ngành giáo dục hoặc của từng trường về các quy trình đảm bảo an toàn cho học sinh khi đưa đón nói riêng và mọi hoạt động của nhà trường nói chung, đồng thời kiểm soát thật tốt để tránh những sự việc đau lòng như vậy.
Xin cảm ơn ông!
Sơn Lam thực hiện