Huế: Sau chùa Từ Hiếu đến chùa Quốc Ân bị hạ giải trùng tu
Văn hóa - Ngày đăng : 07:14, 09/08/2019
Vào tháng 3.2019, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp phép cho “đại trùng tu” chùa Từ Hiếu- một trong những ngôi cổ tự mang nhiều giá trị văn hoá lịch sử, tôn giáo. Chùa Từ Hiếu cũng làbiểu tượng của lòng hiếu thảo trong lòng người dân Việt với tên gọi nguyên sơ am An Dưỡng do Hòa thượng Tánh Thiên - Nhất Định lập nên vào năm 1843. Đây cũng là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia tu học và sau đó chọn làm nơi đểquay về tịnh dưỡngtừ năm 2018, nhưng đến tháng 5.2019chùa bị hạ giải nêncác tăng ni đã đưa thiền sư vào tịnh dưỡng tại một resort ven biển quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trước chánh điện chùa Từ Hiếu
Việc triệt giải chánh điện chùa Từ Hiếu để xây dựng lại mới hoàn toàn khiến cho nhiều người nuối tiếc. Đặc biệt, có nhiều ý kiến trong giới nghiên cứu văn hóavà kiến trúc cho rằng cách đại trùng tu theo phương pháp triệt giải như hiện nay là đồng nghĩa với xóa sổ di sảnvăn hóa .
Mới đây, chùa Quốc Ân, một trong những ngôi tổ đình danh tiếng và lâu đời bậc nhất tại cố đô, nơi còn bảo lưu được nhiều dấu ấn văn hóa Phật giáo trong các thời kỳ từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và Huế ngày nay cũng bị tháo dỡ hoàn toàn để xây mới…
Cổng vào chùa Quốc Ân được thiết kế trang nghiêm cổ kính
Dù có đến 330 năm tuổi và được chúa Nguyễn Phúc Trănsắc phong "Sắc tứ Quốc Ân tự" từ năm 1689 nhưng mãi đến nay chùa Quốc Ân vẫn chưa được xếp hạng di tích văn hóalịch sử cần bảo vệ theo Luật Di sản. Theo định số 1046/QĐ-UBND ngày 8.10.1993 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, chùa Quốc Ân nằm trong 153 công trình, địa điểm được bảo vệ. Thế nhưng không hiểu vì sao chùa Quốc Ânvẫn được Sở Xây dựng Thừa Thiên-Huế cấp phép xây dựng lại ngày từ ngày 1.3.2019.
Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, do tổ sư Tạ Nguyên Thiều khai sơn vào khoảng những năm 1682-1684 với tên ban đầu là thảo am Vĩnh Ân. Chùa là ngôi tổ đình đầu tiên của phái thiền Lâm Tế
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại (8.8.2019) công việc hạ giải chùa Quốc Ân đang được tiến hành khẩn trương, khu chánh điện, các kết cấu bằng gỗ quý trong chùa cũng đã được dọn dẹp tháo rời tập trung một góc trong khuôn viên chùa.
Lý do “đại trùng tu” chùa Quốc Ân, Đại đức Thích Minh Chơn - giám tự chùa giải thích là chánh điện chùa được xây dựng bằng 48 cột gỗ, nhưng đến nay 7 cột đã hư hỏng khoảng 50% và 1 cột thì đã hỏng hoàn toàn. Các cấu kiện bằng gỗ khác cũng bị mục ruỗng, hệ thống vách tường bị ngấm nước, mái ngói bị dột và nhiều lý do khác nên việc xây dựng là cần thiết.
Chánh điện chùa Quốc Ân đã được tháo dỡ toàn bộ để... xây mới -Ảnh: Sơn Thùy
Đại đức Thích Minh Chơn cũng xác nhận rằng kết cấu gỗ quý sau khi tháo dỡ từ chùa Quốc Ân ra đã có người đến hỏi mua với giá từ 3-4 tỉ đồng nhưng nhà chùa chưa quyết định bán. Dự kiến, sau khi xin giấy phép phục chế các cột kèo còn sử dụng được, nhà chùa sẽ xem xét để thay thế cho hệ thống cấu kiện gỗ ở nhà hậu.
Được biết kinh phí cho việc đại trùng tu chánh điện chùa Quốc Ân được dự kiến khoảng 30 tỉ đồng, trong đó chi cho phần kết cấu bằng gỗ khoảng 10 tỉ đồng.
Quốc Ân Tự
Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, mục Chùa quán ghi về chùa Quốc Ân: “Ở ấp Lương Cải, xã Phú Xuân, huyện Hương Thủy. Tương truyền, chùa do Hoán Bích thiền sư dựng, bản triều Hiển Tông cho hai câu đối, phía tả câu đối khắc tám chữ “Quốc vương Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề", nay vẫn còn. Phía dưới chùa có tháp Phổ Đồng, cũng do Hoán Bích thiền sư dựng. Đầu đời Gia Long, Mật Cương hòa thượng sửa lại”.
Hoán Bích là pháp tự của Tổ sư Nguyên Thiều, người ở Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc sang hoằng hóa ở Việt Nam vào năm 1665 ở tại phủ Quy Ninh (nay là Bình Định) lập chùa Thập Tháp-Di Đà. Vào khoảng năm 1683-1684, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) Tổ Nguyên Thiều ra Phú Xuân ở xứ Thuận Hóa dựng chùa Vĩnh Ân (nay là Quốc Ân) tại chân đồi Hòa Thiên phía trái núi Ngự Bình nay thuộc phường Trường An, Huế. Thời ấy, chùa Quốc Ân là một ngôi tổ đình danh tiếng bậc nhất và có vai trò lịch sử rất quan trọng đối với Phật giáo xứ Đàng Trong...
Chùa trải qua nhiều lần trùng tu theo sự thăng trầm của thế cuộc. Vào năm 1786 chiến sự giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn nổ ra, chùa Quốc Ân bị tàn phá rất nặng nề, trong đó đặc biệt nhất là ngôi tháp Phổ Đồng đã bị phá hủy hoàn toàn. Chùa chỉ lưu giữ được một số bia ký, văn khế và một số tượng khí, pháp khí. Đến năm 1806, khi Long Thành Thái trưởng công chúa cúng 300 quan tiền thì chùa mới được tu sửa. Minh Mạng năm thứ 3 (1822), Hòa thượng Mật Hoằng dâng sớ xin trùng tu chùa Quốc Ân được nhà vua cấp 500 quan tiền và các vật dụng. Trong đợt trùng tu này, chùa xây dựng lại chánh điện, chú tạo lại tôn tượng Phật A Di Đà, tổ đường và long vị chư tổ... Năm 1851, Hòa thượng Từ Hòa-Liễu Triệt tiếp tục trùng tu và dựng cổng tam quan. Sau đó ít lâu, chùa được Thái trưởng công chúa cúng dường 400 quan tiền, Hòa thượng Liễu Chơn tu tạo tượng Phật Thích Ca và Di Lặc...
Mặc dầu chùa Quốc Ân đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng điều đặc biệt và đáng được quan tâm hơn hết là cứ mỗi lần trùng tu là mỗi lần để lại cho chùa những dấu ấn văn hóa Phật giáo tương ứng với các thời kỳ khác nhau của lịch sử. Vì vậy, chùa Quốc Ân ngày nay có thể nói là một trong những ngôi tổ đình ở Huế còn lưu lại nhiều dấu ấn văn hóa xưa quý nhất của Phật giáo xứ Thuận Hóa.
Điển hình nhất là lối kiến trúc chùa Quốc Ân theo kiểu chữ khẩu truyền thống của xứ Thuận Hóa xưa. Chùa hiện lưu giữ được nhiều tượng khí và pháp khí xưa quý từ thời khai sơn cho đến nay. Như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca được chú tạo vào khoảng năm 1851. Gian bên trái thờ Bồ tát Quan Thế Âm, hai bên là Hộ pháp, phía trước thờ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh (Quan Vân Trường), các tượng khí này đều do Tổ Nguyên Thiều mang đến từ Trung Hoa. Hậu liêu thờ chân dung Tổ Nguyên Thiều và nhiều long vị của chư tổ và chư vị trú trì kế thế... Ngoài ra, chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có hoa văn rất đẹp đúc từ thời Minh Mạng và nhiều pháp bảo, pháp khí khác như đại hồng chung, bia ký...