Chậm cổ phần hóa ngày nào, thất thoát tài sản nhà nước lớn ngày đó
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:26, 11/08/2019
Trước tình trạng cổ phần hóa ở doanh nghiệp nhà nước diễn ra vẫn còn rất chậm, tác động tiêu cực đến vấn đề cải cách, quản lý đối với doanh nghiệp, thậm chí còn làm thất thoáttài sản quốc gia khi những dự án tỉ USD chết yểu, không lối thoát...
Bàn về vấn đề này tại Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra mới đây, chuyên gia kinh tế - TS. Ngô Trí Long nhìn nhận, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian qua bị chậm lại có thể do những nguyên nhân khách quan như: nhiều quy định pháp lý chặt chẽ hơn, một số khâu, công đoạn buộc phải kéo dài để tránh thất thoát như việc xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý đất đai trước khi cổ phần hóa…
Theo chuyên gia này, bên cạnh mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước với hiệu quả cao nhất, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn nhắm đến những mục tiêu quan trọng và dài hạn hơn là giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.
Tuy nhiên, việc Nhà nước còn nắm tỉ lệ sở hữu lớn khiến doanh nghiệp nhà nước khó thay đổi về chất. Trong nhiều trường hợp, chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn.
Vì vậy, ông Long cho rằng, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của Bộ ngành và các bên liên quan trong cổ phần hóa, thoái vốn khi mà kế hoạch, danh mục Thủ tướng đã phê duyệt cho cả giai đoạn.
Đối với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật thì cần quy định rõ thẩm quyền do ai phải đề xuất phương án xử lý; ai có đủ thẩm quyền phê duyệt. Tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc, gây ách tắc, trì trệ mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc đến trong một cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp vào cuối tháng 7.
"Trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến cho rằng cứ bán công ty cho nhà đầu tư ngoại là coi như “mất tất” hoặc “mất thương hiệu”. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện của một quốc gia thì việc đánh giá cái được, cái mất cần phải thực hiện một cách toàn diện.
Khi thực hiện cổ phần hóa cần tìm được các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ tham gia. Trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm với thị trường Việt Nam, có cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt", vị chuyên gia này cho hay.
Trong khi đó, chỉ ra những khó khăn thực tế, ông Vũ An Khang - Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) cho rằng, dù các văn bản quy phạm phápluật về cổ phần hóa, thoái vốn ngày càng hoàn thiện, nhưng áp dụng vào trong thực tế muôn màu, muôn vẻ nên đơn vị tư vấn và doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ví dụ, hiện nay nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty hiện đang xin giãn tiến độ cổ phần hóa do nhều nguyên nhân, trong đó hầu hết bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất.
Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, VVFC đề xuất Nhà nước cho phép kết hợp xác định giá trị doanh nghiệp, đồng thời với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất và phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định giá trị doanh nghiệp. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu để xảy ra chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Đến hết Quý 2/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỉ đồng, thu về 1.657 tỉ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý 2/2019: Thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỉ đồng, thu về 8.765 tỉ đồng.
Lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý 2/2019: cả nước đã thoái 3.785 tỉ đồng, thu về 110.392 tỉ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỉ đồng, thu về 109.965 tỉ đồng tại Sabeco).
Tính đến hết Quý 2/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn với tổng giá 1.333 tỉ đồng, thu về 2.174 tỉ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến hết Quý 2/2019: Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỉ đồng, thu về 50.630 tỉ đồng.
Tuyết Nhung