Đã đến lúc đưa ra lộ trình xóa bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:36, 14/08/2019
Cụ thể, Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết lâu nay, số tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay là 300 đồng/lít), thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.
Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, song những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ, dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn (có thời điểm sử dụng bình ổn giá trên 2.000 đồng/lít) có thể dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
"Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu. Mặt khác, theo Luật Giá, có 11 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong khi chỉ có mặt hàng xăng dầu có Quỹ bình ổn giá là chưa phù hợp", Đoàn giám sát nhấn mạnh.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trước đó cũng đưa ra đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng vì làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn là được lợi.
Trao đổi với PV báo Một Thế Giới, đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay vẫn chưa có lộ trình trong việc xóa bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu.
"Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu là một vấn đề lớn, liên quan đến việc điều hành giá một mặt hàng quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, Chính phủ cũng như các Bộ ngành có liên quan sẽ rất thận trọng trong việc nghiên cứu", vị này nhấn mạnh.
Đề cập tới Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết cơ quan này đã trình lên Thủ tướng Chính phủ vài lần về việc nghiên cứu sửa đổi Nghị định 83 về điều hành thị trường xăng dầu, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Hiện nay, cơ quan điều hành Liên bộ Tài chính - Công Thương đang phải vừa điều hành thị trường xăng dầu đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa phải để hàng hoá diễn biến theo thị trường.
Theo ông Dũng, nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá 15 ngày hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày thì lúc đó không cần quỹ bình ổn nữa. Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì đánh giá tổng kết Nghị định 83 để sửa đổi trong thời gian tới.
Trong khi đó, về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải từng khẳng định việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số GDP cả năm đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước.
Vị lãnh đạo Bộ Công Thương cũng không ít lần chia sẻ với tư cách cá nhân rằng ông rất muốn bỏ Quỹ bình ổn giá để “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng “thời điểm hiện nay vẫn cần quỹ, cần vai trò quản lý của Nhà nước”.
Mới đây, công bố quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) Quý 2/2019, Bộ Tài chính cho biết số dư quỹ BOG đến hết quý 2/2019 hiện đang âm 499,932 tỉ đồng.
Tổng số trích Quỹ BOG trong quý 2/2019 là 1.826,385 tỉ đồng; Tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý 2/2019 là 1.706,498 tỉ đồng. Trước đó, số dư quỹ BOG tại thời điểm 31.12.2018 là 3.504,376 tỉ đồng. Tuy nhiên, số dư quỹ BOG đến hết quý 1/2019 đã âm 620,643 tỉ đồng.
Tính đến hết tháng 6 vừa qua, trong tổng số 28 thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối, có 14 thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối có số dư dương quỹ BOG xăng dầu.
Trong đó, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội có số dư lớn nhất là 203,022 tỉ đồng, tiếp đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon petro) là 91,408 tỉ đồng, đứng thứ ba là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 53,534 tỉ đồng; Và 14 đơn vị kinh doanh xăng dầu âm Quỹ BOG Xăng dầu, trong đó Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil) có số âm quỹ lớn nhất (âm 533,256 tỉ đồng); công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ với số dư quỹ hiện âm 62,448 tỉ đồng.
Tuyết Nhung