Phú Quốc sẽ điều chỉnh quy hoạch để có phương án chống ngập
Sự kiện - Ngày đăng : 17:16, 16/08/2019
Trận ngập lụt vừa qua được xem là trận ngập kỷ lụckéo dài nhất từ trước đến nay, và tại buổi họp báo, ông Phạm Công Khâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, việc mưa lớn gây ngập ở Phú Quốc vừa qua là không ai mong muốn, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo ông, cũng có nhiều thông tin trái chiều chỉ phản ánh một mặt, một khía cạnh, hay nói cách khác phản ánh giai đoạn đầu của sự việc, rất ít tin nói về sự chia sẻ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn và các giải pháp khắc phục...
Theo ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Phú Quốc, tình trạng vừa qua nằm ngoài dự báo của các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do kịp thời triển khai công tác ứng phó nên không thiệt hại về người.
Tổng thiệt hại về tài sản của người dân cũng như hạ tầng giao thông trên toàn huyện ước hơn 107 tỉ đồng. Một số khu vực bị ngập sâu cục bộ như tại TT.Dương Đông, Bến Tràm (vùng trũng nhất), Cây Thông Trong và tại Bãi Trường (xã Dương Tơ). Đặc biệt, do gặp phải gió xoáy phức tạp nên đã có 30 chuyến bay đến và đi Phú Quốc bị hủy để đảm bảo an toàn cho hành khách.
Ông Huỳnh cho rằng, Phú Quốc có đến 63% diện tích đất là khu vực rừng, núi và phần còn lại thuộc đất đồng bằng với 4 bề là biển rộng bao la. Biến đổi khí hậu lần này khác những lần trước, mưa không ngớt suốt cả tuần lễ. Riêng 2 ngày 6 và 7.8 là mưa nặng nhất, với tổng lượng mưa đo được cao gấp 7 lần trận lụt năm 1978. Đặc biệt, cũng chính vào thời điểm này, hiện tượng gió mùa Tây Nam ập đến làm triều cường dâng cao hơn 1,6 mét làm cho lượng nước từ các sông, suối bị dội ngược lại ở các cửa biển.
“Sở dĩ có hơn 8.000 căn nhà bị ảnh hưởng, vì đây là số hộ dân từ nhiều địa phương trong cả nước đến và cư ngụ cách đây khoảng 10 năm, họ mua đất cất nhà sinh sống trong hẻm, thung lũng, vùng sâu… nên khi xảy ra ngập lụt thì chính những hộ này bị chia cắt.
Ngoài ra, khi gặp diễn biến bất thường của thời tiết thì công tác quản lý xây dựng, đô thị cũng bộc lộ yếu kém hoặc không xử lý kịp thời những trường hợp người dân tự ý bao chiếm, xây dựng công trình lấn suối, tôn nền… cản trở đến dòng chảy. Đây là những hạn chế không thể chối cãi” ông Huỳnh cho biết thêm.
Việc hệ thống thoát nước hiện hữu đã bị vô hiệu hóa trước sự phát triển của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, du lịch… tuy nhiên, tất cả những vấn đề này vẫn còn trong tầm tay xử lý của địa phương.
Đợt mưa kéo dài khiến người dân Phú Quốc tham gia giao thông bằng xuồng- Ảnh: T. Hiếu
Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ cùng địa phương thực hiện ngay việc khơi thông dòng chảy, động viên người dân tự giác tháo gỡ những công trình xây cất trái phép hoặc buộc phải cưỡng chế. Đồng thời, nhờ các nhà khoa học đánh giá tình hình và đưa ra dự báo về nước biển dâng, khí hậu cực đoan để địa phương có kế hoạch điều chỉnh lại quy hoạch.
H.Phú Quốc cũng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang có đoàn nghiên cứu thường xuyên theo dõi hiện tượng ngập lụt này nếu còn tái diễn sẽ có biện pháp khắc phục ngay nhằm tránh thiệt hại đến mức thấp nhất do lũ lụt gây ra.
Bên cạnh đó, huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang và các sở ngành chức năng cho khảo sát quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối, thoát nước… trên toàn đảo Phú Quốc. Nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô TT.Dương Đông phù hợp với tốc độ phát triển của Phú Quốc hiện nay.
Đồng thời, xây dựng kè chống lấn chiếm ở rạch Ông Trì, rạch Somaco, sông Dương Đông… Đẩy nhanh triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Dương Đông và An Thới; phê duyệt chương trình phát triển đô thị làm cơ sở để đề xuất giải pháp tổng thể, đồng bộ cho hạ tầng đô thị của Phú Quốc…
Tô Văn