TP.HCM: Chậm giải ngân, loạt dự án trọng điểm trước nguy cơ ‘trễ hẹn’
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:41, 16/08/2019
Theo UBND TP.HCM, năm 2019, thành phố được giao kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 800 tỉ đồng và dự toán vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ là 5.493 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến tháng 6.2019, lũy kế giải ngân nguồn vốn ODA là 99 tỉ đồng; trong đó vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 99 tỉ đồng, đạt 12,38% so với kế hoạch vốn được giao; còn vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ chỉ 7,6 tỉ đồng, đạt 0,14% so với dự toán vay lại được giao.
Đối với nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương, đến tháng 6.2019 chỉ có dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 là giải ngân 99 tỉ đồng; dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên và dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương đang thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư nên không thể giải ngân.
Trong khi đó, dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2 chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao vốn ODA do cần điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020.
UBND TP.HCM cho rằng việc giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài còn chậm trễ chủ yếu do công tác giao kế hoạch vốn ODA cấp phát từ Trung ương chưa kịp thời và không phù hợp với tình hình thực hiện của các dự án. Việc chưa được giao kế hoạch vốn hoặc kế hoạch vốn được giao không đủ nên TP.HCM không thể giải ngân thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu.
Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án, gây mất uy tín của TP.HCM đối với nhà tài trợ nước ngoài và phát sinh nhiều hệ lụy (như phải thanh toán lãi phát sinh do chậm thanh toán theo quy định của hợp đồng, nhà thầu tạm dừng hoặc ngừng thi công).
Vì vậy, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về báo cáo tình hình thực hiện vay, trả nợ vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2019 và dự kiến giai đoạn 2020 – 2022, trong đó có nhiều kiến nghị nhằm tạo thuận lợi cho công tác giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Cụ thể, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến về kết quả thẩm định cho vay lại của chương trình DPO-1 (chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển cho Ngân sách TP.HCM) để có cơ sở tiến hành ký hiệp định tài trợ, hợp đồng cho vay lại và thực hiện giải ngân khoản vay trong năm 2019.
Mặt khác, do tính chất đặc thù của nguồn vốn ODA, TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu phương thức giao kế hoạch vốn ODA đảm bảo đáp ứng đủ vốn theo tiến độ giải ngân thực tế của dự án và tiến độ cấp vốn của các nhà tài trợ. Điều này nhằm để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo đúng các hiệp định đã cam kết, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm thanh toán và các khiếu kiện của nhà thầu nước ngoài, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án.
Ngoài ra, căn cứ tiến độ giải ngân của các dự án, các Bộ ngành cho phép TP.HCM chủ động điều chuyển vốn trong tổng mức kế hoạch vốn được Thủ tướng giao, báo cáo cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch.
Trước đó, năm 2018, UBND TP.HCM cũng đã kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu cấp có thẩm quyền sớm bố trí đầy đủ vốn ODA trung hạn và hàng năm. Theo UBND TP.HCM, thành phố theo dõi 13 dự án sử dụng vốn ODA đang triển khai thực hiện với tổng số vốn hơn 104.000tỉ đồng; trong đó vốn ODA hơn 88.000 tỉ đồng, vốn đối ứng hơn 15.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc giải ngân cho các dự án trọng điểm rất chậm đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Phan Diệu