Cô Hồng
Văn hóa - Ngày đăng : 09:40, 22/08/2019
Tôi gặp cô lần đầu tiên năm 1998, khi tôi là một học sinh lớp 12 trường huyện, tập trung về trường chuyên của tỉnh để ôn tập, chuẩn bị dự thi kì thi học sinh giỏi văn cấp quốc gia. Cô là giáo viên phụ trách giảng dạy chính cho đội tuyển. Thú thật, lúc ấy tôi có ấn tượng không đẹp lắm với người thành phố - cả học sinh và thầy cô giáo. Với những anh học trò quê chúng tôi ngày ấy, họ có cái vẻ gì đó sang chảnh kiểu như cố tỏ ra rằng mình ở trên thiên hạ mà chẳng biết có “trên” được hay không và “trên” được bao nhiêu. Không ít những lời điệu đà, làm dáng, “chém gió phần phật”, vừa nghe thì có vẻ ngọt ngào, hấp dẫn nhưng thực chất chỉ là những lời sáo rỗng, vô nghĩa. Nhưng cô thì hoàn toàn khác, một sự bình dị, đơn sơ đến lạ tỏa ra từ cách đi đứng, nói năng, cách quan tâm đến mọi người cho đến cách giảng bài khiến tôi ngạc nhiên pha lẫn thích thú; một cái gì quê quê, thô mộc tựa như làn gió của đồng xanh thổi lẫn vào giữa phố.
Những bài giảng văn của cô Hồng thực ra không tạo cho tôi ấn tượng theo kiểu “rót mật vào lòng” hay “bay bổng tuyệt vời” theo cách nói mà người ta vẫn dành để tâng bốc nhau. Ấn tượng lớn nhất vẫn là sự bình dị và tâm huyết. Cô như dồn tất cả những gì mình có, mình trải nghiệm vào bài giảng. Không màu mè, không làm dáng, từng lời giảng của cô chân chất, hiền lành như cách sống, như tâm hồn cô vậy.
Cô Hồng luôn dành một mối quan tâm sâu sắc đến những người xung quanh mình, đặc biệt là học trò. Học trò trường chuyên do cô trực tiếp giảng dạy đã đành, ngay cả tôi là một anh lạ hoắc, đến tập trung học một vài tháng, thi xong lại về, vậy mà vẫn nhận được sự quan tâm của cô, một tình cảm thực tâm, chân thành và vô cùng trong sáng chứ không phải là những lời đầu môi để cố chứng tỏ mình là nhà giáo tâm huyết như không ít người vẫn làm.
Lần thứ hai tôi gặp cô Hồng là năm 2005, khi tôi đã học xong đại học, được phân công về giảng dạy ở trường chuyên, trở thành đồng nghiệp của cô. Cuộc đời dâu bể với bao nhiêu vất vả, lo toan trong cuộc mưu sinh dễ khiến người ta thay đổi, hoặc tham lam, trí trá, ti tiện; hoặc hiếu danh, hãnh tiến; hoặc hằn học, sân si. Nhưng cô Hồng thì vẫn vậy, một nét đẹp nguyên bản, nguyên sơ không pha trộn, luôn gần gũi và tử tế với mọi người. Học sinh tìm đến cô như một nơi nương tựa, đồng nghiệp tìm đến cô như một chỗ để giãi bày, tất cả đều nhận được sự quan tâm và tình thương chân thành, tha thiết của cô.
Chỉ có điều, sự tử tế của cô nhiều khi đặt nhầm đối tượng. Với người tốt thì tử tế đã đành, ngay cả với những kẻ trí trá, ma mãnh, những anh mang tư cách của kẻ “nô tài” suốt đời đi bằng đầu gối mà cô vẫn tử tế với họ. Sự tử tế ấy của cô nhiều lúc khiến tôi phát bực. Xấu tốt gì cũng yêu, ai cũng thương cả thì làm sao được. Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ vì cô trong sáng quá, hiền lành quá nên lầm lẫn, dễ bị những kẻ ấy che mắt chăng? Sau này tối mới hiểu thực ra ai xấu, ai tốt cô biết cả. Chỉ vì cô có một niềm tin mãnh liệt vào con người. Cô tin rằng con người dù xấu xa đến đâu vẫn có một chút gì trong sáng trong sâu thẳm tâm hồn họ. Hãy nhìn vào một chút trong sáng ấy mà sống với nhau, đừng xa lánh họ. Cách nhìn đời, nhìn người của cô nhân hậu, bao dung như vậy đấy.
Một con người trong sáng, hiền lành như cô Hồng lẽ ra phải có một cuộc đời êm đềm mới phải. Vậy mà cô Hồng khổ lắm. Cuộc đời cứ thế đặt cô trong bao nhiêu cay đắng, nhọc nhằn. Ngay cả bây giờ, khi đã xấp xỉ lục tuần, dù được chồng con yêu thương hết mực, cô vẫn phải chịu đựng bao nhiêu đau đớn giày vò vì bệnh tật. Có lẽ cái số cô nó vậy. Mà cũng có lẽ vì cô nghĩ cho người khác nhiều quá, quan tâm tới người khác nhiều quá đến độ quên cả bản thân mình nên mới phải khổ như vậy chăng? Nghĩ đến cô, tôi vẫn thường oán trách cuộc đời. Nhưng cô thì không một chút bi quan, tuyệt vọng, cô vẫn sống lạc quan, vui vẻ, vẫn suy nghĩ rất tích cực về cuộc đời.
Cuộc đời cô Hồng mất mát nhiều, nhưng cô cũng được nhiều thứ. Cái được lớn nhất là sự yêu quý, kính trọng của mọi người dành cho cô. Hiếm có một nhà giáo nào có thể tạo được một tình thương, niềm tin mãnh liệt và trọn vẹn trong lòng học sinh, đồng nghiệp và những người xung quanh như cô Hồng. Gần đây, trên facebook, tôi nhìn thấy những học sinh đã từ rất lâu của cô Hồng gọi cô bằng hai tiếng gần gũi mà trìu mến, thân thương “Má Hồng”. Thật cảm động! Một ân tình như thế dễ mấy ai có được.
Nghĩ đến cô Hồng, tôi lại tin tưởng mãnh liệt rằng cuộc đời này dẫu bày ra lắm xấu xa, tăm tối, bỉ ổi nhưng ở đâu đó, nơi này nơi kia vẫn còn những con người trong sáng, cao quý như một giá trị vĩnh cửu, không thể mất. Chỉ có điều, nhiều lúc tôi vẫn không tránh khỏi ngậm ngùi, những người như cô hình như càng ngày càng ít.
Hồ Tấn Nguyên Minh