Bài 4: Truyền thuyết kỳ lạ về những kho vàng bí ẩn dưới nền căn cứ địa Gò Tháp
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:49, 23/08/2019
Vào vùng đất bí ẩn linh thiêng Gò Tháp
Từ TT.Mỹ An (H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đi theo tỉnh lộ 845 về hướng xã Trường Xuân khoảng 5km là đến trung tâm xã Mỹ Hòa. Cách chợ Mỹ Hòa không xa, khu di tích Gò Tháp nằm ẩn khuất trong những khu rừng tràm nguyên sinh um tùm bí ẩn, xen lẫn các ao sen, lau sậy mọc ngút ngàn. Thế nhưng dù nằm sát chợ Mỹ Hòa nhưng khu Gò Tháp lại thuộc địa phận ấp 3, xã Tân Kiều.
Ông Sáu Triều, người dân cố cựu xứ Tháp Mười, nói rằng, xưa kia khu di tích này vẫn nằm trọn trên địa bàn xã Mỹ Hòa, nhưng sau năm 1984 mới được “chia” về xã Tân Kiều. Ông Sáu Triều kể, từ lúc còn nhỏ xíu đi chăn trâu ông đã nghe các bậc bô lão, ông bà cha mẹ căn dặn khi vào khu vực di tích Gò Tháp chớ có dại mồm dại miệng mà ăn nói lung tung, sẽ bị thần linh và các “quan lớn” quở phạt đến lâm bệnh, phải sắm sửa lễ vật thành tâm cúng bái mới khỏi.
Hỏi ông Sáu Triều, thần linh trên những vùng đất hoang vu kỳ bí thì không thể phủ nhận, nhưng “các quan lớn” là ai mà cũng trách phạt những người dại miệng dại mồm, lão nông này nghiêm sắc mặt, nói: “Chớ dại! “Quan lớn” chính là 2 vị anh hùng ngày xưa từng lập căn cứ kháng chiến chống Pháp ở ngay tại khu vực Gò Tháp trong các năm từ 1864 đến 1866. Đó là ông Thiên hộ Võ Duy Dương và Quan lớn thượng Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Trong khu di tích hiện nay có đền thờ các “quan lớn” và mộ cụ Đốc binh, linh thiêng lắm”.
Dù trời mưa khá nặng hạt nhưng ông Sáu Triều vẫn nhiệt tình dẫn khách đi tham quan một vòng khu di tích Gò Tháp. Ngoài đền thờ 2 vị anh hùng Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều, nằm xen giữa rừng cây cổ thụ là nhiều công trình văn hóa tâm linh bề thế như Chùa Tháp Linh cổ tự, miếu bà Chúa Xứ Thánh Mẫu, miếu Hoàng Cô… Đặc biệt, trong khu Gò Tháp còn có những tòa mái che xây dựng được kiên cố, bề thế để bảo vệ những công trình khảo cổ đã được phát lộ.
Tuy nhiên, ông Sáu Triều nhất quyết phải dẫn khách đến giới thiệu cho bằng được đống gạch đá đổ nát, rêu phong, nằm trên mộtgò đất thấp. Theo lời ông Sáu, đây chính là dấu tích còn lại khiến vùng này mang tên Gò Tháp và Tháp Mười. Ông Sáu kể, hồi nhỏ ông nghe ông bà xưa thuật lại là khi 2 vị Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều vào vùng rừng tràm lau sậy hoang vu này xây dựng căn cứ kháng chiến thì phát hiện mộtgò đất pha cát cao khoảng 7m, đỉnh gò dài trên 500m, rộng hơn 300m, diện tích khoảng 1km2.
Trên đỉnh gò có dấu tích mộtngôi tháp hoang tàn, đổ nát, nên ông Thiên hộ Dương gọi là Vãng Tháp và từng sử dụng tên này trong báo cáo tình hình quân cơ gửi vua Tự Đức vào năm 1865. Nhưng sau đó ông Thiên Hộ lại bỏ 2 chữ Vãng Tháp mà đổi tên khu này thành Tháp Mười, bởi lẽ ông nghe cư dân bản xứ nói ngày xưa nơi đây có ngôi tháp cổ 10 tầng đã sụp đổ, điêu tàn theo thời gian.
Tàn tích đổ nát của tòa tháp 10 tầng do chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng bị đánh sập vào cuối năm 1959 - Ảnh: Thanh Anh
“Chuyện đó tui chỉ nghe ông bà kể lại. Nhưng chuyện ngôi tháp 10 tầng cao 36m ở trên gò này là chuyện có thật 100%. Ngôi tháp này được chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây dựng năm 1956, mô phỏng theo kiểu dáng của tháp chùa Thiên Mụ ngoài Huế, được đặt tên là “Viễn vọng đài”, có nhiệm vụ quan sát, khống chế hoạt động toàn khu vực Đồng Tháp Mười. Nhưng đêm 4.1.1960, đặc công tiểu đoàn 502 của quân Giải phóng miền Nam đã dùng thuốc nổ đánh sập ngôi tháp. Những khối gạch đá đổ nát rêu phong trên đỉnh gò hiện nay chính là tàn tích của ngôi tháp 10 tầng ngày xưa”, ông Sáu kể.
Truyền thuyết bí ẩn về “những kho vàng ở Gò Tháp”
Hỏi ông Sáu Triều có biết chuyện dân gian đồn đại là từ lâu vùng Gò Tháp ẩn chứa những kho vàng bí mật hay không, ông lão cười cười, nói: “Tui cũng có nghe những chuyện này, nhưng thực hư ra sao thì khó nói lắm. Ngay tại khu Gò Tháp, hiện nay vẫn còn mộtđịa danh được mọi người gọi là Đìa Vàng”.
Theo lời ông Sáu, Đìa Vàng nằm ở phía Bắc khu di tích Gò Tháp, cách khu miếu Bà Chúa Xứ Thánh Mẫu hơn 500m, nhưng hiện nay lau sậy mọc um tùm. Đìa Vàng thật ra là mộtđoạn mương nước nhỏ được người dân đào mở rộng để trữ nước trong mùa khô vào những năm 1970.
Khi đào ao, người ta tìm thấy rất nhiều mảnh vàng mỏng, nhủ vàng, mạt vàng và các vật trang sức bằng vàng nằm sâu trong lòng đất, nên đặt chết danh là Đìa Vàng cho đến ngày nay. Sau khi đào Đìa Vàng, người dân tiếp tục đào thêm 1 ao lấy nước cách Đìa Vàng khoảng 500m thì phát hiện dưới lòng đất có hơn 10 pho tượng Phật bằng gỗ, nên khu vực này được đặt tên là Đìa Phật.
Cũng theo lời ông Sáu Triều thì chuyện ly kỳ nhất ở Gò Tháp vẫn là truyền thuyết về mộtkho vàng khổng lồ được chôn giấu ngay dưới nền đại đồn kháng chiến của 2 ông Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều. Câu chuyện về khối vàng khổng lồ của 2 ông Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều đã dẫn đến việc trước đây có nhiều người vào khu vực này để đào bới tìm kiếm, nhưng cho đến nay chẳng có ai lấy được khối vàng bí hiểm này.
“Tui nghe kể trước đây có người còn đem máy móc hiện đại vào khu vực di tích đại đồn Gò Tháp tìm kiếm kho vàng, nhưng không có kết quả. Sau nhiều lần máy móc tự nhiên hư hỏng, công nhân thì bệnh tật bất ngờ, những người tìm vàng bèn mời một số nhà ngoại cảm về khu vực Gò Tháp để tìm kiếm. Các nhà ngoại cảm xác định ở vị trí đó có 1 khối kim loại rất lớn chôn trong lòng đất, nhưng không thể biết đó là kim loại gì”, ông Sáu kể.
Sau đó những người tìm vàng sử dụng các thiết bị hiện đại để định vị và chụp được hình một khối kim loại, ước tính nặng khoảng 300 - 400kg và cho rằng đó là khối vàng ròng. Nhưng khi cho máy móc máy đào xuống đến vị trí đã xác định thì khối kim loại ấy lại… tự động di chuyển sang một vị trí khác. Hơn 1 tháng trời họ đào bới đuổi theo khối vàng nhưng không thể nào lấy được.
“Thực hư ra sao thì chưa biết vì chuyện này những người tham gia vụ đào vàng rất kín miệng, nhưng người dân ở đây cho rằng họ không thể lấy được khối vàng là vì 2 ngài Thiên Hộ Dương và Đốc binh Kiều ghét kẻ tham lam, không đồng ý cho lấy”, ông Sáu Triều cười cườinói.
Miếu bà Chúa Xứ Thánh Mẫu gần bên Đìa Phật, Đìa Vàng, nơi các nhà khảo cổ và người dân tìm được nhiều hiện vật bằng vàng và tượng Phật cổ - Ảnh: Thanh Anh
Theo ông Võ Tấn Nghĩa, cán bộ Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp, từ xưa những truyền thuyết đồn đại về kho vàng ở Gò Tháp chỉ là chuyện lưu truyền dân gian. Tuy nhiên, việc các nhà khảo cổ học từ TP.HCM xuống đây đào thám sát và tìm thấy nhiều hiện vật bằng vàng tại nhiều địa điểm khác nhau trong khu di tích này là có thật. Ngay tại Đìa Phật, Đìa Vàng, năm 2013 các nhà khảo cổ còn phát hiện được nhiều hiện vật gồm đá, gạch, ngói, gốm nung, mảnh vàng, sợi vàng, xâu chuỗi thủy tinh, tượng Phật cổ bằng gỗ…
“Trong 2 đợt khai quật khảo cổ ở Gò Tháp vào những năm 1984 và 1993, các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều hiện vật bằng vàng và nhiều hiện vật có giá trị khác bên trong các kiến trúc cổ xưa được phát lộ. Phần lớn các kiến trúc cổ này đều được xác định thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo có niên đại từ những thế kỷ đầu Công nguyên kéo dài đến thế kỷ VII - XII sau Công nguyên”, ông Nghĩa cho biết.
Như vậy, chuyện những kho vàng bí ẩn ở khu “di tích Quốc gia đặc biệt” Gò Tháp từng lưu truyền nhiều đời trong dân gian không phải là vô căn cứ. Sau những đợt khai quật khảo cổ, những bí ẩn này đang dần hé lộ.
Thanh Anh