Sau khi được thả, thủ lĩnh đối lập Nga Navalny khẳng định vẫn có biểu tình
Quốc tế - Ngày đăng : 17:23, 23/08/2019
Phát biểu trước các phóng viên sau khi được phóng thích, Navalny cho biết: “Bây giờ chúng ta đã thấy rằng dối trá và gian lận là không đủ cho họ. Điều đó là không đủ để cấm các ứng cử viên từ bỏ cuộc bầu cử. Họ có chủ ý bắt hàng chục người và đánh đập hàng trăm người... Điều đó rõ ràng phản ánh thực tế rằng không có sự ủng hộnào cho chính quyền này. Họ cảm thấy điều này và đã lo sợ”.
“Mặc dù có những hành động dọa nạt và khủng bố tinh thần thực sự đang xảy ra khi những người biểu tbị bắt giữ, nhưng tôi chắc chắn rằng làn sóng các cuộc biểu tình sẽ gia tăng, và chính quyền sẽ phải nghiêm túc hối hận về những gì họ đã làm”, thủ lĩnh đối lập Navalny nhấn mạnh.
Navalny cũng không quên cảm ơn mọi người vì đã xuống đường biểu tình và ca ngợi sự dũng cảm của những ứng cử viên phe đối lập đã bị loại khỏi cuộc bầu cử.
“Họ đang cố gắng hết sức. Và trong đó chúng ta đã thấy được sự đối lập hoàn toàn mới. Và tôi rất vui vì điều đó”, ông Navalny nói.
Được biết, Navalny, 43 tuổi, hiện là một trong những chính trị gia đối lập nổi bật nhất ở Nga hiện nay và được đánh giá là thách thức lớn nhất cho quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo đối lập này đã từng nhiều lần bị bỏ tù thời gian ngắnvào năm 2012 và 2014 do tổ chức biểu tình chống chính phủ.
Tòa án Nhân quyền châu Âu năm ngoái đã ra phán quyết tuyên bố việc Nga bắt và giam giữ ông Navalny trong các năm 2012 và 2014 là vì động cơ chính trị và vi phạm nhân quyền cơ bản của ông này.
Lần gần nhất ông Navalny bị bỏ tù là vào hôm 24.7 với thời hạn 30 ngày, vì kêu gọi người dân biểu tình nhằm phản đối ủy ban bầu cử của thủ đô Moscow loại bỏ nhiều ứng viên đối lập tranh cử hội đồng thành phố trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới. Cuộc bỏ phiếu đó, dù ở quy mô địa phương, được coi là một cuộc tổng duyệt cho cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2021.
Các nhà chức trách Moscow nói rằng các ứng viên bị loại vì không đủ chữ ký của những người ủng hộ. Tuy nhiên, các ứng cử viên khẳng định các chữ ký mà họ thu thập được đã bị loại bỏ một cách tùy tiện, và toàn bộ quá trình kiểm tra chữ ký đã có sự thiên vị chống lại họ.
Chính điều này đã kích hoạt làn sóng biểu tình phản kháng kéo dài nhất ở Nga kể từ giai đoạn 2011-2013, khi hàng chục ngàn người Nga xuống đường biểu tình nhằm yêu cầu bầu cử tự do trong những tuần qua.
Gần đây nhất, nhóm giám sát White Counter - một tổ chức nhân quyền, tiết lộ rằng khoảng 60.000 người tham gia cuộc biểu tình tại Moscow vào hôm 10.8. Trong khi đó, phía cảnh sát cho biết chỉ có 20.000 người tham gia biểu tình.
Cảnh sát Nga hiện đã tạm giữ hơn 2.000 người, khởi động các vụ án hình sự chống lại hàng chục người vì tội gây rối hàng loạt, đưa ra các án tù ngắn cho toàn bộ các đồng minh thân cận của Navalny và sử dụng vũ lực để giải tán những gì họ mô tả những cuộc biểu tình bất hợp pháp.
Trong một lần hiếm hoi bình luận về các cuộc biểu tình nói trên, khi họp báo với người đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron hôm 19.8, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng không ai có quyền đưa tình huống đến các cuộc đụng độ, và những người có trách nhiệm phải bị trừng phạt, đồng thời khẳng định ông không muốn phong trào biểu tình ‘áo vàng’ của Pháp diễn ra tương tự tại Nga.
"Tôi muốn rằng trong tương lai mọi thứ ở Nga và các quốc gia khác sẽ xảy ra theo cách này: không có bất kỳ sự cố và vi phạm luật pháp", ông Putin nói và và hứa sẽ làm mọi thứ để tình hình chính trị ở Nga phát triển trong khuôn khổ luật pháp.
Hoàng Vũ (theo Reuters)