Loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trên 8%

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:16, 27/08/2019

Hàng loạt ngân hàng vừa mới điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Điều này kéo theo mặt bằng lãi suất liên tục tăng và xuất hiện mức lãi trên 8%, thậm chí tới 8,5%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi lên 8,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng được nhà băng này điều chỉnh lên tới 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, tăng lần lượt 0,7%/năm và 0,8%/năm so với mức trước.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) vừa triển khai chương trình “ưu đãi chào thu” với mức lãi suất tiết kiệm lên đến 7,8%/năm ở kỳ hạn 6 tháng. Với kỳ hạn 9, 12 và 13 tháng, mức lãi suất tối đa lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm và 8,2%/năm. Với sự điều chỉnh này, SHB đang là một trong những ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường.

Từ ngày 20.8, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tăng lãi suất các kỳ hạn 13, 15, 24, 36 tháng từ 8% lên mức 8,3 - 8,4%/năm. Với kỳ hạn tiền gửi 13 tháng, để hưởng lãi suất cao nhất 8,4%/năm, khách hàng phải gửi từ 100 tỉ đồng trở lên.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đang áp dụng mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy là 8%/năm với kỳ hạn 36 tháng, cao hơn 0,3%/năm so với trước đó. Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã triển khai chương trình gửi tiền “ngày vàng” từ ngày 20.8 với tiền gửi 100 triệu đồng, khách hàng hưởng lãi suất đến 8,2%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 8,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 8,6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.

Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank) triển khai chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất cho khách hàng, với mức lãi suất cộng thêm từ 0,1 - 0,2%/năm so với biểu lãi suất quy định. Hay hai "ông lớn" là BIDV và VietinBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất một số kỳ hạn từ 0,1 - 0,2%/năm so với trước.

Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất huy động bằng VNĐhiện nay phổ biến ở mức 0,2- 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5- 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5- 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm. Như vậy, mức lãi suất này thấp hơn so với mặt bằng lãi suất mà các ngân hàng đang áp dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB, việc các ngân hàng trên thị trường đang đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kỳ hạn dài là nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằngcác ngân hàng thương mại đang chuyển cuộc chơi từ thị trường liên ngân hàng sang các công cụ huy động dài hạn. Thực tế cho thấy việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài là một trong những giải pháp giúp tái cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng, điều này cũng chứng tỏ tín dụng trung và dài hạn vẫn chiếm tỷtrọng cao. Theo dự thảo, các ngân hàng sẽ phải giảm tỷlệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 40% trong năm nay, sau đó tiếp tục giảm dần về mức 30% trong năm 2022.

Đáng chú ý, do lãi suất đầu vào không giảm, BVSC nhìn nhận mặt bằng lãi suất cho vay đầu ra ở các lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản, tiêu dùng cũng sẽ khó có khả năng giảm trong thời gian tới. Cơ hội cho lãi suất giảm (nếu có) sẽ chỉ mang tính định hướng, dành cho các lĩnh vực ưu tiên và thông qua nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh.

Phan Diệu

Phan Thị Diệu