Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Duy, Sam Hamill và tập 'Thơ Thiền Lê - Nguyễn'
Văn hóa - Ngày đăng : 13:07, 27/08/2019
Ngày 28.8tới đây,Nhà xuất bản Hội Nhà văn và nhóm biên soạn sẽ tổ chức buổi ra mắt giới thiệu tác phẩm Thơ Thiền Lê - Nguyễn, sách do nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Chungkết hợp với nhà thơ Nguyễn Duy biên soạn Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Trong tuyển tập này, 30 bài thơ Thiền được Sam Hamill, người sáng lập nhà xuất bản Copper Canyon danh tiếng ởMỹ, dịch sang tiếng Anh.
Theo lời giới thiệu của nhà sư Thích Phước An, trong 30 tác giả của 30 bài thơ trong tuyển tập này, ta có thể thấy đủ mọi thành phần trong xã hội vào thời Lê Nguyễn.
“Ngoài các Thiền sư ra thì còn có vua chúa, giới quý tộc, những bậc anh hùng đánh đuổi giặc phương bắc xâm lược như Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhiệm, nhà hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thi hào Nguyễn Du, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà Nho vui thú điền viên Nguyễn Khuyến đến cả kẻ nổi loạnchống lại triều đình như Cao Bá Quát... nghĩa là tất cả đều lấy cảm hứng từ Phật Giáo hay những ngôi chùa của Phật Giáo”, nhà sư Thích Phước An viết.
Giáo sư Nguyễn Bá Chung chủ biên cuốn sáchnhận định:“Thơ Thiền là một tinh túy của văn hóa Việt Nam, không có nó Việt Nam đã không thể tồn tại được cả ngàn năm qua. Nhờ nó, Việt Nam đã hóa giải được tất cả những mâu thuẫn, những khổ đau, những ngang trái suốt quá trình tồn tại của mình”.
Theo quan điểm của của Giáo sư Nguyễn Bá Chung,Thiền không phải chỉ thuần túy là biểu tượng cho cái đẹp trong đời sống tâm linh mà còn dính chặt đến sinh mệnh sống còn của dân tộc Việt Nam.
Được biết đây cũng là lần đầu tiên một tuyển tập thơ Thiền Lê Nguyễn với bản dịch tiếng Anh được xuất bản tại Việt Nam. Những bài thơ được chọn đưa vào tuyển tập giúp cho độc giả hiểu thêm về những thăng trầm của Phật giáo trong lịch sử, đặc biệt là dưới triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn.
Nhận xét về tập thơ, Giáo sư Cao Bá Thuần viết: “Rất nhiều khi câu thơ chẳng có gì triết lý, chỉ là cảnh vặt thôi, nhưng thiền vị bay lên như bướm thoát ra khỏi kén, và trực giác chợt sáng lên trong tâm của người đọc. Những phút xuất thần như thế thường nằm nơi câu cuối của bài thơ. Chẳng hạn: giữa làn mây trắng có hòn núi xanh. Thì có gì lạ đâu, cảnh vặt vẫn thấy hàng ngày. Vậy mà, lạ thật, tâm quyện lấy Phật, Phật quyện lấy tâm như núi với mây:
Phật tức tâm hề tâm tức Phật
Thanh sơn chi tại bạch vân trung
Nguyễn Bá Chung dịch thơ:
Dứt duyên đời thật thong dong
Lòng thanh tịnh sắc không chẳng lầm
Tâm là Phật, Phật là tâm
Ẩn trong mây trắng rạng tầm núi xanh"
Buổi họp mặt và ra mắt Thơ Thiền Lê - Nguyễndo Nhà xuất bản Hội Nhà văn và nhóm biên soạn tổ chức, sẽ diễn ra lúc 9 giờ ngày 28.8 (thứ Tư) tại Thư viện Khoa học tổng hợpTP.HCM (Thư viện Quốc gia cũ) - Địa chỉ: 69 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM.
Tiểu Vũ