Khi con bạn bỗng dưng chán học

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:56, 28/08/2019

Khi phát hiện con có vẻ chán học, thậm chí sợ hãi không muốn đến trường, cha mẹ thường tỏ ra hốt hoảng và lo lắng. Thế nhưng các chuyên gia về tâm lý lại cho rằng, đó chỉ là hiện tượng bình thường.

Lãnh nhiệm vụ đưa đón cô con gái “rượu” đến trường mỗi ngày thay cho chồng phải đi làm theo ca, chị Hạnh đôi lúc cảm thấy bực bội vì sự khó hiểu của con bé. Bé Duyên, con chị, năm nay mới học lớp 1, nên đối với bé mọi thứ xung quanh thật quá mới mẻ. Từ việc cái cặp đi học trở nên lớn và nặng hơn cho đến bộ đồng phục chật chội, không thoải mái như hồi học mẫu giáo.

Chưa hết, bé phải ngồi trong lớp thật lâu mới được cô giáo cho ra chơi với các bạn, đi học về đã thấy mẹ nó chờ sẵn ở cửa hối thúc: ''Con ăn cơm nhanh lên rồi học bài nữa”. Một tháng trôi qua, việc học của con gái chị Hạnh rồi cũng đâu vào đó. Mỗi lần đi học về, bé rất vui vẻ, tối nào cũng đòi chị cho đi ngủ sớm để ngày mai còn đến lớp, gặp gỡ cô giáo và bạn bè. Còn đến bữa ăn, con bé cứ luyên thuyên kể với vợ chồng chị hết chuyện này đến chuyện khác, mải không thấy chán.

Thế nhưng thời gian gần đây, con gái chị Hạnh bỗng thay đổi một cách khó hiểu. Hết giờ xem tivi, chị Hạnh thấy con cứ ngồi “lì” một chỗ không muốn đứng dậy, ăn sáng cứ phải hối thúc năm lần bảy lượt nó mới chịu ăn, ngồi học bài mà tay cứ vân vê con búp bê nhồi bông ra chiều suy tư lắm. Thấy con có những biểu hiện lạ, chị Hạnh gặn hỏi thì bé tìm cảnh giả lơ hoặc ậm ừ trong miệng.

Mới tuần trước, chị Hạnh cảm thấy bất ngờ khi nghe con gái thủ thỉ: ''Lâu nay con đi học nhiều rồi, hay ngày mai mẹ cho con nghỉ một ngày nghe mẹ?”. Thấy con gái bỗng dưng không muốn đến trường, biết có chuyện gì đó không ổn nên chị Hạnh cảm thấy hơi bối rối.

Trong trường hợp này, một số bậc phụ huynh thường thiếu kinh nghiệm trong việc nhận biết sự thay đổi của con trẻ, nhất là trẻ ở độ tuổi tiểu học. Nguyên do là sự thay đổi hoàn toàn về giờ giấc trong sinh hoạt, học tập của trẻ so với lúc còn ở mẫu giáo nên dễ dẫn đến tâm lý trẻ cảm thấy “ngán” đến trường. Thế nên vào lúc này, con trẻ rất cần sự quan tâm kịp thời từ phía cha mẹ để vượt qua tâm lý ấy, bằng cách:


     
  • Cha mẹ hãy trao đổi những khó khăn trẻ gặp phải: Hãy khéo léo tìm hiểu căn nguyên vì sao con trẻ không muốn đến lớp. Đồng thời, tạo cho trẻ cảm giác yên lòng để trẻ thêm tự tin khi đối diện những vấn đề phức tạpở trường lớp. Cha mẹ cũng có thể nhờ sựhỗ trợ của nhà trường và giáo viên để đạt kết quả tốt hơn.
  •  
  • Bù đắp cho trẻ những kiến thức trẻ không thể tiếp thu tại lớp: Trẻ thường tỏ thái độ chán học khi không thể tiếp thu bài vở trong lớp. Nếu kéo dài tình trạng này, trẻ sẽ phải đương đầu với nhiều thiếu sót về kiến thức mới có thể không theo kịp các bạn trong lớp.
     
     Tuy vậy, vào lúc này cha mẹ lại càng không nên tìm mọi cách bắt trẻ học thêm với cô giáo này hoặc học bù với thầy giáo kia, để mong vớt vát sự thiếu sót của trẻ. Thay vào đó, hãy bình tĩnh trao đổi với trẻ về những kiến thức trẻ chưa hiểu hoặc những kiến thức căn bản trẻ cần được củng cố. Một khi những khó khăn trong việc học của trẻ được giải quyết, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn với trẻ, giúp trẻ ham thích việc học một cách thoải mái, tự nhiên hơn.
     
  •  
  • Lập thời gian biểu cho trẻ: Điều này rất quan trọng giúp trẻ có thái độ nghiêm túc trong việc học tập. Cha mẹ hãy cùng trẻ bàn bạc, sắp xếp thời gian nào tốt nhất cho việc làm hoặc học bài ở nhà. Không để trẻ vừa học vừa chơi ngay trên bàn học, sẽ làm giảm khả năng tập trung. Cũng không để trẻ vừa học vừa xem TV hoặc nghe nhạc vì khi học, trẻ cũng cần một không gian yên tĩnh.
     
  •  
  • Tạo sự tự tin cho trẻ: Cha mẹ hãy để trẻ tự làm các bài tập để giúp trẻ phát triển tính tự lập, thay vì giúp đỡ trẻ bằng cách làm giùm hết bài vở của trẻ. Nếu bạn không ngừng làm giùm hoặc cứ mãi giải quyết những khó khăn thay cho trẻ, đến một lúc nào đó trẻ sẽ không có khả năng tự tìm ra các giải pháp. Từ đó, trẻ thiếu tự tin vào bản thân và nhanh chóng đầu hàng ngay khi trẻ gặp khó khăn.
     
  •  
  • Giải pháp cho trẻ hiếu động: Ở những trẻ hiếu động, cha mẹ cần sớm tiếp xúc với thầy cô giáo chủ nhiệm để biết thêm về việc học tập của trẻ ngay từ đầu, thay vì chờ đến khi tình huống xấu xảy ra, sẽ không thể uốn nắn trẻ kịp thời.
  •  
  • Nếu trẻ hiếu động lại được xếp ngồi gần bạn bè có tính nghịch phá, cha mẹ hãy trao đổi với giáo viên để thay đổi chỗ ngồi cho trẻ. Cách này có thể giúp trẻ học tốt hơn do trẻ không bị ảnh hưởng từ bạn bè hoặc trẻ cũng không có cơ hội để quấy rầy bạn ngồi bên cạnh của chúng.

Tú Uyên

Thùy Như - CTV