Luật sư nói gì về võ sư hành hung vợ đến nhập viện?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:58, 28/08/2019
Trước vụ việc võ sư Nguyễn Xuân Vinh (1987) bạo hành vợ là Vũ Thị Thu L. (SN 1992), cơ quan công an cho biết sẽ sớm giải quyết vụ việc để ổn định tình hình chung. Đồng thời, tiến hành các biện pháp ngăn chặn đối tượng Nguyễn Xuân Vinh tiếp tục có hành vi nhắn tin đe dọa gia đình nhà vợ. Cơ quan công an đã tiến hành tạm giữ hành chính Nguyễn Xuân Vinh, còn việc có truy tố đối tượng hay không sẽ căn cứ vào hồ sơ và giám định thương tích của nạn nhân.
Trước đó, trưa 27.8, clip ghi lại vụ việc Vũ Thị Thu L. (SN 1992) bị chồng bạo hành ngay tại nhà khiến chị phải nhập viện trong đêm được chia sẻ trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận. Được biết chị L. mới sinh con 2 tháng và bị chồng đánh đập thường xuyên, gây trầm cảm và dẫn đến mất sữa. Sự việc vừa rồi đã khiến chị phải nhập viện cấp cứu.
Ông Đỗ Danh Huế - Trưởng Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc, đơn vị này đã phối hợp với Đội điều tra Tổng hợp Công an quận Long Biên thụ lý giải quyết.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật Kết Nối cho rằng ai nhìn cảnh người vợ bị hành hung cũng đều có sự phẫn nộ về hành vi người chồng gây ra cho người vợ.
"Nhìn về tương quan, rõ ràng người chồng có sức mạnh cơ bắp (võ sư), rất khỏe mạnh, hành vi đánh, tát rất mạnh, có lực rất lớn (bởi người chồng học võ). Thế nên chỉ cần vung tay lên đánh cũng gây nguy hiểm cho người bị đánh. Trong khi đó người vợ lại mới sinh con (con 2 tháng tuổi) là phụ nữ, sức khỏe yếu hơn, thể hình cũng quá nhó bé so với người chồng", ông Hùng nói.
Theo luật sư này, đây là tội danh liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích, nên bắt buộc phải đưa người vợ đi giám định tỷ lệ thương tật mới đủ cơ sở buộc tội theo quy định tại điều 134 BLHS. Tùy thuộc tỉ lệ thương tật sẽ bị khởi tố hay không? hoặc khởi tố ở khung hình phạt nào?
Trong trường hợp nếu người vợ từ chối giám định, có đơn bãi nại, không có cơ sở về tỉ lệ thương tật thì người chồng chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi bạo hành gia đình theo quy định tại điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ- CP với mức phạt từ 1.000.000 - 1.500.000 đồng.
Cũng theo ông Hùng, nhiều vụ bạo hành gia đình ít bị xử lý, hoặc không bị phát hiện, bởi nhiều hành vi mang tính chất thường xuyên, nhưng hành vi đơn giản, nhỏ, ít nghiêm trọng nên bị hại không muốn tố giác; thiếu hiểu biết pháp luật quy định thế nào là bạo hành gia đình.
“Đa phần chỉ hiểu đơn thuần là đánh đập. Tuy nhiên còn nhiều kiểu bạo hành khác như về tinh thần, sinh hoạt, tài sản, ngược đãi, xúc phạm danh dự nhân phẩm, gây ức chế tâm lý, cô lập về tinh thần hoặc cản trở thực hiện các quyền nghĩa vụ về thăm nom, nuôi dưỡng con cái”, ông Hùng nêu.
Cũng theo luật sư này, nhiều người cũng lo ngại nếu đưa vụ việc ra pháp luật, người bạo hành (chồng/vợ) có nguy cơ đối diện với trừng phạt của pháp luật, khiến cho con cái sau này bị mang danh trong lý lịch tư pháp là có bố/mẹ bị tù tội (tiền án).
Hơn nữa, cũng chưa có những cơ chế, cơ quan chuyên trách đủ mạnh, hiểu biết pháp luật để có thể can thiệp, tư vấn, giải quyết các vụ việc bạo hành gia đình; Tâm lý e ngại, xấu hổ, lo sợ nhiều người biết.
Do đó, luật sư này cho rằng các cơ quan nhà nước cần có biện pháp cụ thể để đấu tranh, phòng ngừa, xử lý các hành vi bạo hành gia đình mà cả xã hội lên án.
Lam Thanh