Xuất xứ của sợi - 'điểm nghẽn' của dệt may Việt Nam trong EVFTA
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:27, 29/08/2019
Thông tin trên được đại diện Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) – Các cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý” ngày 28.8.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) luôn là vấn đề khúc mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về SHTT và vì vậy cũng là chủ đề được phía EU chú trọng đàm phán trong EVFTA.
Về cơ bản, EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi (đặc biệt tại biên giới) và chủ sở hữu quyền, đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT. Do vậy, để đảm bảo thực thi có hiệu quả các cam kết trong EVFTA, bên cạnh việc nội luật hóa các cam kết của EVFTA, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ưu đãi thuế quan ở Hiệp định này mang lại lợi ích to lớn cho các sản phẩm Việt như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử... Đặc biệt, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột... Đây đều là các mặt hàng mà Việt nam có thế mạnh, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EU.
Theo ông Phú, Cục Xúc tiến thương mại hiện đang triển khai nhiều chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội EVFTA mang lại, đẩy mạnh giao thương, phát triển xuất khẩu sang thị trường EU như: cung cấp thông tin xúc tiến thương mại thị trường và ngành hàng; nâng cao năng lực xúc tiến thương mạicho các tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam và doanh nghiệp; tư vấn, thiết kế phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế; hỗ trợ phát triển thị trường thông qua đẩy mạnh cơ hội kết nối giao thương giữa nhà xuất khẩu, nhập khẩu trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia...
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, giày dép là ngành có lợi thế nhất, được giảm thuế nhiều nhất và quy tắc xuất xứ không quá khắt khe. Dệt may được giảm thuế hơn 10% nhưng phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ của sợi, vải.
"Đây là điểm nghẽn của dệt may Việt Nam. Đối với ô tô, cả hai bên đều bảo hộ khá lâu với mức thuế cao. Cơ hội xuất khẩu chủ yếu đối với phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy và xe máy nguyên chiếc dung tích 50-250cc...", ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá EVFTA là một Hiệp định quan trọng đối với Việt Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam trở thành đối tác của một thực thể gồm 28 nước có trình độ kinh tế, tiềm lực rất cao trên quy mô toàn cầu. 28 quốc gia này có tổng quy mô GDP chiếm tới 18.000 tỉ USD. Trong quan hệ thương mại, EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và hiện nay, EU chiếm hơn 38% các kim ngạch xuất khẩu.
Hiệp định cũng là cơ hội giúp Việt Nam thực hiện thành công chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư... và để tránh việc Việt Nam bị phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam đảm bảo được vị thế, cũng như độc lập trong đường lối đối ngoại để bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuyết Nhung