Chàng trai chỉ có... một ngón cái, trở thành tân sinh viên đại học

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:03, 03/09/2019

Dù có khiếm khuyết về thể hình nhưng chưa bao giờ em Trần Trí Thức lấy đó làm mặc cảm, tự ti với mọi người. Thức đã vượt mọi khó khăn, trở ngại của mình mà phấn đấu, vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội. Hiện Thức là tân sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm của Trường đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM.

“Nếu cứ trông chờ vào người khác thì khó thành công”

Trong cơn mưa nặng hạt của những ngày cuối tháng 8, thông qua sự chỉ dẫn của người dân, PV đã tìm đến nhà của em Trần Trí Thức (17 tuổi, ngụ ấp An Ninh 2, TT.Kế Sách, H.Kế Sách, Sóc Trăng) - ngôi nhà cấp 4 rất sạch sẽ, tươm tất và rộn ràng. Anh Trần Ngọc Trí (cha ruột Trí Thức) cho biết, Thức là người giàu nghị lực, bản thân em luôn cố gắng phấn đấu vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Dù bản thân không lành lặn như bao người khác, nhưng tinh thần của Trí Thức lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan và xem mọi thứ xung quanh mình đều toàn màu hồng...

Anh Trí tự hào: “Trí Thức bị khuyết tật bẩm sinh, khi cháu sinh ra đã không có 2 bàn tay lành lặn rồi, mà chỉ có 1 ngón cái thôi, nên rất yếu chứ không linh hoạt như người bình thường. Dù vậy, con tôi không bao giờ chùn bước, phó thác cho số phận. Suốt 12 năm liền, Trí Thức đều là học sinh giỏi, đứng ở tốp đầu của trường. Gia đình tôi rất tự hào về Trí Thức”.

Em Trần Trí Thức (bìa trái) cùng bạn học cùng lớp - Ảnh: Trần Quốc

Quá trình bắt đầu tập viết những chữ cái đầu đời với em thật khó khăn và chính mẹ em là người kề cận, hỗ trợ để giúp em cầm được viết và viết chữ. “Em bắt đầu tập viết từ lúc học mẫu giáo, khi chưa biết chữ thì mình thấy khó, nhưng viết hoài thành quen. Để viết được chữ, em dùng ngón tay cái duy nhất để cố định phần đầu cây viết, 2 đầu cẳng tay có trách nhiệm nẹp chặt và duy chuyển cây viết và cứ thế là em viết được chữ. Chỉ khó lúc đầu thôi, còn bây giờ em đã quen rồi nên thấy rất bình thường. Nhờ vượt qua thử thách đó mà em mới có được như ngày hôm nay đó”, Thức nói. Vậy mà hiện nay, chữ viết của Thức rất đẹp!

Chị Nguyễn Thị Mỹ (mẹ ruột Trí Thức) tâm tình, Thức rất đam mê công nghệ thông tin, nên ngay từ những năm đầu của cấp 3, cháu đã có nguyện vọng được trở thành kỹ sư chuyên ngành về kỹ thuật phần mềm. “Trí Thức thường chia sẻ với tôi rằng, con không có đôi tay lành lặn, chỉ có 1 ngón cái tay trái thôi, nên cháu nó cảm thấy phù hợp với ngành học đó. Khi Trí Thức vào lớp 10 thì gia đình tôi đã định hướng công việccho cháu rồi.

Tôi khuyên con rằng, nếu con thấy việc nào phù hợp thì con lựa chọn, quyết định chọn ngành nghề là do con cả, chứ vợ chồng tôi không chọn, cũng không ép buộc con phải theo ý mình. Vì nếu có ép buộc con nghe theo ý cha mẹ thì liệu rằng con nó có học tốt hay không?”, chị Mỹ nhìn nhận.

Theo lời chị Mỹ, ngay từ nhỏ Thức đã có tính tự lập, nên em không chịu nhận sự giúp đỡ của ai, hay san sẻ bất cứ điều gì. “Tôi còn nhớ, ngày trước Trí Thức đi lao động ở trường và mang theo giẻ lau, khi đó tôi mới nói, con đừng có lau mà hãy để bạn lau đi. Khi đó, Thức trả lời tôi rằng: “Nói như mẹ, nếu người khác cũng nghĩ như mẹ vậy thì ai là người làm?”. Có khi đi học rồi cháu chở cây chổi về nhà, tôi có hỏi thì cháu nói không ai chịu giữ thì con giữ. Tính Thức không muốn phụ thuộc vào ai”, chị Mỹ nói.

Vợ chồng anh Trí và chị Mỹ luôn tự hào về thành tích học tập và nghị lực mạnh mẽ của đứa con trai của mình - Ảnh: Trần Quốc

Trí Thức cho biết: “Với em, nếu cái nào mình làm được thì mình làm, chứ nếu cứ trông chờ, ỷ lại vào người khác, thì biết khi nào mình mới làm được. Còn nếu cái nào mình không làm được thì phải tự tạo ra một cơ hội cho mình, để thử và thực hiện cho được. Nếu ai cũng có suy nghĩ như vậy, thì chẳng khác nào em là người thừa, 1 kẻ vô dụng trong mắt người khác và biết khi nào mới thành công”.

Trò chuyện với chúng tôi, Trí Thức giọng đầy mạnh mẽ: “Tuy em có đôi bàn tay không lành lặn như bao người khác, nhưng em yêu quý nó và đang dùng nó vào những việc có ích cho tương lai của mình. Từ lúc sinh ra, em đã như vậy nên nay đã quen rồi và thấy rất đỗi bình thường”.

Nói về những khó khăn của mình khi thiếu đi đôi bàn tay lành lặn, giọng Thức vẫn đầy lạc quan: “Có lẽ, thử thách lớn nhất đối với em là lúc tập viết, giai đoạn đó thật khó khăn. Nếu có niềm tin là có tất cả thôi, ông trời không cự tuyệt đường ai bao giờ. Ông đã lấy đi của em gần cả đôi tay, nhưng đổi lại ông cũng ban cho em ý trí, nghị lực để em có thể viết chữ được bằng chính 2 “bàn tay” này, cũng như bao sinh hoạt khác như chạy xe máy, chơi cầu lông, bóng chuyền, bơi lội…”.

Vượt lên số phận để đạt những thành tích “vàng”

Anh Trí hành nghề chạy xe ôm đến nay khoảng 20 năm, còn chị Mỹ hiện là giáo viên dạy tiểu học trên địa bàn H.Kế Sách. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đôi vợ chồng vẫn cố gắng tằn tiện để lo cho Trí Thức được đến trường.

Anh Trí khoe thành tích học tập của con trai - Ảnh: Trần Quốc

Anh Trí nói: “Ngày xưa tôi chạy xe ôm có thu nhập hơn bây giờ nhiều. Vì ngày xưa, phương tiện giao thông ít, còn bây giờ thì hầu như nhà nào cũng có phương tiện đi lại nên thu nhập bấp bênh lắm, có những ngày không có cuốc xe nào. Hiện tại thì vợ chồng tích góp để nuôi con, tôi vẫn chạy xe ôm thì trang trải cuộc sống gia đình, còn tiền lương của vợ thì dành gửi cho Trí Thức ăn học”.

Trí Thức là con một trong gia đình. Chị Mỹ kể: “Hồi đó, khi sinh con ra, thấy cháu bị khuyết tật thì tôi rất sợ nên tôi không muốn sinh nữa vì lo, nếu sinh tiếp mà cháu cũng bị như vậy nữa thì tội nghiệp lắm. Từ suy nghĩ đó, tôi đã quyết định, thà chỉ 1 đứa con thôi, để mình còn chăm bẫm, vun đắp cho con được đầy đủ hơn. Chứ nếu sinh nhiều đứa ra rồi cứ lo cho đứa khác, không lo được cho nó thì tội lắm”.

Khi được nghe PV hỏi, tại sao em quyết định chọn trường đại học và chuyên ngành hiện nay? Trí Thức tâm sự: “Em là 1 người khuyết tật, nên em nhận thấy, nếu được làm việc bằng máy tính (sử dụng công nghệ thông tin - PV) thì đó là công việc phù hợp và cần thiết đối với bản thân em. Em nghĩ rằng, hiện nay là thời đại bùng nổ của công nghệ nên công nghệ thông tin là một phương tiện cần thiết để giúp cho đất nước phát triển, vươn tầm”.

Thầy Nguyễn Quốc Văn, Trường THPT Kế Sách cho biết: “Trí Thức rất là ngoan hiền, lễ phép. Mặt dù là người khuyết tật, nhưng tinh thần của em cực kỳ lạc quan, không bi lụy, mặc cảm với bạn bè, mà em luôn có 1 tinh thần thép, biết vượt lên số phận”. Thầy Văn cho hay, ngoài việc học ở trường thì Trí Thức cũng tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường, của lớp.

Dù gặp khó khăn ở đôi tay và chỉ có 1 ngón duy nhất, đã khiến Trí Thức gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Tuy nhiên, bản thân Trí Thức rất tích cực chơi... bóng chuyền và em luôn tiên phong để tham gia và chơi rất tốt.

“Trí Thức là học sinh gương mẫu, em học rất là giỏi, không chỉ ở các môn tự nhiên mà cả các môn còn lại em đều học tốt và đạt điểm số rất cao. Trong suốt quá trình học ở bậc phổ thông, Trí Thức đã mang về cho nhà trường rất là nhiều giải thưởng cá nhân”, thầy Văn nói.

Những thành tích học tập của Thức - Ảnh: Trần Quốc

Năm học 2016 - 2017, Trí Thức đã tham gia cuộc thi và đạt huy chương đồng môn vật lý trong kỳ thi Olympic tháng 4, lần thứ III và huy chương vàng môn vật lý lần thứ IV cũng kỳ thi này trong năm học 2017 – 2018 do Sở GD-ĐT TP.HCM đăng cai tổ chức.

“Hình thức thi Olympic tháng 4 này là do Sở GD-ĐT TP.HCM đăng cai tổ chức dành cho tất cả các Trường THPT ở khu vực phía Nam. Ngoài 2 huy chương đó, thì Trí Thức còn đạt được 1 giải Nhì và 1 giải Ba môn Vật lý cấp tỉnh Sóc Trăng. Trong đợt thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua, em Thức cũng đạt điểm số cao và đứng trong tốp đầu của tỉnh Sóc Trăng”, thầy Văn thông tin thêm.

Trần Quốc

Trần Khải