Ăn rất ít vẫn mập, tại sao?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:30, 08/09/2019

Nghiên cứu của Đại học Michigan đã chỉ ra, căng thẳng kéo dài làm tăng lượng mô mỡ lưu trữ trong cơ thể, làm bạn tăng cân dù ăn ít.

Nhà khoa học Rebecca Hasson, đến từ Đại học Michigan, đã dẫn đầu nhóm nghiên cứu về quan hệ giữa hormone cortisol hay còn gọi là hormone căng thẳng và cân nặng.

Các nhà nghiên cứu không phủ nhận một số người có xu hướng tìm đến các món ăn hấp dẫn như một chiếc bánh quy, ít kẹo ngọt khi căng thẳng. Nhưng với nhiều người thừa cân tham gia nghiên cứu, họ lại có xu hướng từ chối đồ ăn béo và có đường khi bị căng thẳng. Với khẩu phần ít hơn bạn bè, họ vẫn cứ tăng cân một cách khó hiểu.

Trong nghiên cứu, 51 tình nguyện viên thanh thiếu niên đã trải qua Trier Social Stress Test, một bài đánh giá căng thẳng chuẩn mực.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra hormone cortisol – được mệnh danh là "hormone căng thẳng" không chỉ gây đau đầu, cao huyết áp, đau ngực, làm tăng nguy cơ các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, hen suyễn và viêm khớp. Hormone cortisol còn làm tăng lượng mô mỡ được lưu trữ trong cơ thể, khiến bạn tăng cân dù ăn ít hơn người khác.

Cuộc sống bận rộn và áp lực khiến nhiều người trẻ thường xuyên bị căng thẳng. Để duy trì cân nặng ổn định, việc cần làm trước tiên là giải toả căng thẳng bằng cách thường xuyên tập yoga, ăn các thực phẩm giúp giảm căng thẳng như socola, nấm, củ cải đỏ... hay uống sữa ấm.

Thu Thủy

La Hường