Doanh nghiệp vay hàng chục tỉ đồng, thế chấp bằng... 2 bản án
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:32, 11/09/2019
Như báo điện tử Một Thế Giới đã phản ánh, ông Trương Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Biofeed (gọi tắt là Công ty Biofeed, trụ sở tại đường Phó Cơ Điều, P.3, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) là người đã từng lấy giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất được tỉnh Vĩnh Long cấp chồng lên đất của hàng chục hộ dân ở ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, H.Long Hồ để đi thế chấp vay ngân hàng hơn 22 tỉ đồng.
Điều đáng nói, diện tích đất trên được tỉnh cấp cho ông để xây dựng Công ty Biofeed 2, với tiền thuê đất là hơn 10 tỉ đồng. Đến nay, sau gần 10 năm được giao đất, dự án vẫn không được triển khai, trở thành dự án treo khiến người dân nơi đây phải khốn đốn. Giám đốc Công ty Biofeed còn “hô biến” chuyện không thể thành có thể khi dùng 2 bản án tòa tuyên để đi cấn nợ ở ngân hàng với số tiền hàng chục tỉ đồng.
Góp vốn làm ăn, khi thua lỗ kiện ra tòa rút vốn
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 1.8.2007, ông Trương Thanh Phươngcó góp vốn vào Công ty TNHH Thương mại Thủysản Vĩnh Long (gọi tắt là Công ty Thủy sản Vĩnh Long) số tiền 8,2 tỉ đồng (trong đó có 4,5 tỉ đồng tiền mặt, còn lại là thức ăn chăn nuôi). Công ty này có tổng số 5 thành viên góp vốn, với số tiền hơn 29,3 tỉ đồng.
Đến ngày 5.2.2008, ông Phương rút vốn 1 tỉ đồng từ Công ty Thủy sản Vĩnh Long. Theo kết quả hạch toán kinh doanh từ năm 2008-2010, công ty này thua lỗ khoảng 173 tỉ đồng. Riêng năm 2011 chưa thống kê được số tiền bị lỗ.
Vào năm 2013, ông Phương khởi kiện ra TAND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Công ty Thủy sản Vĩnh Long trả lại phần vốn còn lại 7,2 tỉ đồng và phải chịu lãi suất 9%/năm. Yêu cầu này của ông Phương được TAND tỉnh Vĩnh Long chấp nhận, buộc Công ty Thủy sản Vĩnh Long trả cho người này 7,2 tỉ đồng tiền góp vốn và 2,8 tỉ đồng tiền lãi.
Theo bản án số 01/2013/KDTM-ST ngày 9.1.2013 của TAND tỉnh Vĩnh Long, Công ty Thủy sản Vĩnh Long phải trả cho ông Phương tổng số tiền gốc và lãi là hơn 10,3 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 29.11.2011, TAND H.Long Hồ (Vĩnh Long) cũng đã ban hành bản án số 01/2011/KDTM-ST về việc tranh chấp hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản giữa ông Phương và Công ty Thủy sản Vĩnh Long. Theo bản án này, Công ty thủy sản Vĩnh Long phải trả cho ông Phương hơn 10,1 tỉ đồng. Trong đó gồm 7,1 tỉ đồng tiền nợ mua thức ăn và gần 3 tỉ đồng tiền lãi.
Hô biến chuyện không thể thành có thể
Với 2 bản án trên, tháng 11.2013, ông Phương cho lập 2 hợp đồng, rồi sau đó thế chấp cho 1 ngân hàng có chi nhánh tại tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, hợp đồng thế chấp “quyền tài sản” có giá trị tạm tính là hơn 10,3 tỉ đồng, căn cứ chứng từ góp vốn và bản án 01/2013/KDTM-ST ngày 9.1.2013 của TAND tỉnh Vĩnh Long.
Các hợp đồng chứng từ chứng minh Công ty Biofeed dùng 2 bản án để cấn số nợ hàng chục tỉ đồng cho ngân hàng- Ảnh: Thanh Nguyên
Theo hợp đồng thế chấp trên, mục đích thế chấp bản án là nhằm thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, tiền phí, tiền bồi thường thiệt hại phát sinh theo các hợp đồng tín dụng đã ký giữa Công ty Biofeed và ngân hàng còn hiệu lực.
Hợp đồng thứ 2 là thế chấp “quyền đòi nợ” được lập cùng ngày cũng giữa Công ty Biofeed và ngân hàng trên. Tài sản thế chấp là... bản án số 01/2011/KDTM-ST ngày 29.11.2011 của TAND H.Long Hồ, có giá trị tạm tính là hơn 10,1 tỉ đồng. Mục đích thế chấp cũng nhằm để trả nợ gốc, lãi từ các hợp đồng tín dụng đã ký giữa Công ty Biofeed và ngân hàng nói trên.
1 luật sư của Đoàn Luật sư Vĩnh Long nhận định, việc thế chấp tài sản tại 2 hợp đồng thế chấp trên là vi phạm pháp luật. Vì tài sản đảm bảo, bao gồm tài sản hình thành trong tương lai và tài sản hiện hữu phải thuộc quyền sở hữu của bên đảm bảo.
Những vấn đề trên đều được quy định tại khoản 1, 2, điều 4 Nghị định 163/2006/NĐCP ngày 29.12.2006 và khoản 1, điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐCP ngày 22.2.2012 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 163.
“Tuy nhiên, các bản án và quyền đòi nợ không phải là các tài sản hình thành trong tương lai hay tài sản hiện hữu, nên không thể là đối tượng thế chấp. Bằng chứng cho thấy là đến hiện nay, tức là khoảng 6 năm kể từ ngày ký 2 hợp đồng thế chấp nói trên thì tài sản định giá thế chấp trên 20 tỉ vẫn chưa thu hồi được do không thể thi hành án”, luật sư này phân tích.
Trước đó, ông Phạm Thành Khôn - Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết, Công ty Biofeed của ông Trương Thanh Phương hiện đã ngưng hoạt động và lâm vào cảnh rất khó khăn.
Thanh Nguyên