Cần Thơ: Ấm áp khách sạn giá 1.500 đồng/ngày đêm

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:19, 12/09/2019

Với giá 1.500 đồng/ngày đêm cho những người có hoàn cảnh đặc biệt và giá 22.000 đồng/ngày đêm cho người bình thường, Kiến An Resident đang là tổ ấm cho những người nghèo khó cần một chỗ ở tại TP.Cần Thơ.

Từ căn nhà nát thành tổ ấm cho người nghèo

Trong 1 con hẻm trên đường 30.4 (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đối diện Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, Kiến An Resident mà người dân quen gọi là khách sạn “1.500” nằm khiêm tốn ở cuối con hẻm nhỏ. Khai trương vào đầu tháng 7.2019, đến nay cơ sở lưu trú này mỗi ngày nhận trung bình hơn 10 lượt khách đến ở trọ. Và khi tiếng lành đồn xa, số người khó khăn tìm đến Kiến An Resident ngày càng nhiều.

Chị Lữ Thanh Linh (27 tuổi) hiện đang là quản lý của cơ sở lưu trú Kiến An cho biết, ý tưởng xây dựng tổ ấm gần như miễn phí cho người nghèo có nhu cầu về chỗ ở là của giám đốc nơi công ty chị công tác. Đó là mộtthanh niên còn trẻ ngoài 30 tuổi, quê ở Hà Nội nhưng hiện đang sống và công tác tại TP.HCM. Chị Linh cho biết, ông chủ của mình là mộtthanh niên rất hay trăn trở với những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Những lần có việc phải đến các bệnh viện ở TP.HCM, nhìn thấy những người bệnh, thân nhân nằm vạ vật ở chung 1 giường, ngoài hành lang… trong lòng anh luôn thôi thúc phải làm một điều gì đó.

Việc giúp đỡ tiền bạc, những bữa cơm từ thiện thì đã có nhiều nhà hảo tâm làm rồi. Với suy nghĩ khác người, thanh niên này nhìn rõ nhu cầu về chỗ ở cho các bệnh nhân, người thăm nuôi cũng rất bức thiết. Anh lựa chọn nơi để thực hiện ý định của mình là ở Cần Thơ, nơi có nhiều bệnh viện và những bà con nghèo ở các tỉnh thành đến khám bệnh, làm việc. Mấy tháng trước, trong một lần đến Cần Thơ thì xe máy bị hư, anh ghé vào mộttiệm sửa xe trước hẻm 16, đường 30.4 để sửa. Anh lân la hỏi ông chủ sửa xe thì được chỉ vào cuối con hẻm có 1 ngôi nhà cũ, không người ở đã lâu đang có nhu cầu cho thuê.

Bảng giá cho các trường hợp khách ở Kiến An Resident khiến ai xem cũng phải bất ngờ - Ảnh: Thanh Nguyên

Sau khi hoàn tất hợp đồng thuê và các thủ tục pháp lý, tổ ấm Kiến An Resident ra đời. “Ông chủ tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo căn nhà này, rồi các vật dụng cần thiết cho nhu cầu của người ở. Đến nay, tất nhiên hàng tháng chúng tôi vẫn phải bù lỗ. Nhưng điều đó chúng tôi đã chấp nhận ngay từ đầu. Mục đích duy nhất của Kiến An là tạo cho những người nghèo, vô gia cư một chỗ ở ấm áp, tiện nghi”, chị Linh cho biết.

Để cho người nghèo không cảm thấy mặc cảm khi vào ở, người chủ của Kiến An nghĩ ra một mức giá không tưởng đủ để làm hài lòng họ. Mức giá thấp nhất là 1.500 đồng/ngày đêm cho những trường hợp vô gia cư, người già, trẻ em, người khuyết tật mất khả năng lao động. Mức giá 17.500 đồng/ngày đêm cho những người bị bệnh nan y chữa trị lâu dài, người có hoàn cảnh khó khăn. Mức giá từ 16.000 - 22.000 đồng/ngày đêm cho những người bình thường.

Trong mỗi căn phòng đều được lắp máy lạnh, máy quạt, nệm, gối, mền tủ đựng đồ. Phòng vệ sinh, phòng tắm, giặt được dùng chung và hoàn toàn miễn phí. Khi phải trả tiền, tất cả những người lưu lại đây đều là khách và họ được đối đãi như những “thượng đế” và được phục vụ như bao khách sạn, nhà nghỉ khác.

“Cái giá không thể tin được!”

Đó là điều mà nhiều người phải thốt lên khi vào Kiến An lưu trú. Bà Nguyễn Kim Hồng (65 tuổi) ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ cũng đã thốt lên như thế khi nói về Kiến An. Mỗi ngày bà đến bệnh viện để chạy chữa bệnh, đến trưa lại về chốn này để nghỉ, chiều tới hẹn lại đi điều trị bệnh khác. “Tui đủ thứ bệnh trong người, người ta có 1 - 2 bệnh đã chết lên chết xuống, tôi cả đống bệnh. Bác sĩ còn phải giật mình vì sao tôi bệnh gì cũng có, hồ sơ khám bệnh cả xấp từ tim, khớp rồi, thận, bao tử… đủ hết”, bà Hồng than thở.

Bà Nguyễn Kim Hồng, người phụ nữ bệnh tật đã tìm thấy khoảng thời gian nghỉ ngơi thoải mái trong ngày với giá 1.500 đồng - Ảnh: Thanh Nguyên

Thời gian trước, mỗi ngày bà đạp xe đến bệnh viện để điều trị, tập vật lý trị liệu, nằm máy mát xa, đến trưa bà lại vạ vật ở bệnh viện chờ tới ca chiều vào điều trị tiếp. Thời gian đó bà không có được khoảng thời gian nghỉ trưa cho đúng nghĩa. Mới mấy tuần nay, biết đến khách sạn 1.500 đồng này, trưa nào bà cũng ghé nghỉ tới chiều. “Ở đây mọi người đối đãi với tôi tốt lắm, từ nhân viên cho đến các khách ở trọ cùng. Buổi trưa tôi được nằm nệm, phòng máy lạnh ngủ một giấc ngon lành”, bà Hồng phấn khởi kể.

Hoàn cảnh của người phụ nữ này rất thương tâm, mới mấy năm trước bà vẫn còn cơ ngơi nhà cửa, nhưng rồi những cơn bạo bệnh thay nhau ập tới. Chạy chữa hết của để dành, bà phải bán hết nhà cửa để chữa bệnh tiếp. Hiện giờ bà và các con phải đi ở nhờ nhà người khác trong điều kiện hạn chế nhiều mặt. Tổ ấm Kiến An đã giúp bà có những thời điểm thư thái như ở nhà mà suốt mấy năm qua bà không có được.

Trường hợp của anh Lê Quốc Tùng (42 tuổi), ngụ ở P.9, TP.Sóc Trăng, cũng bi kịch không kém. Chúng tôi phát hiện anh ngồi ở một góc sảnh tiếp tân, vừa ăn chiếc bánh ngọt lót dạ trước giờ vào trực bảo vệ ca đêm, anh vừa khóc. Hỏi ra, anh thiệt tình kể: “Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mà mình hổ thẹn, từng tuổi này rồi mà nhà thiếu 2 - 3 triệu bạc không biết xoay đâu ra”.

Anh Tùng còn cha mẹ, nhưng cả 2 đều già yếu và mang nhiều căn bệnh, hiện đang sống ở quê nhà. Anh và vợ đã chia tay, đứa con trai duy nhất hiện đang sống cùng mẹ. Anh vốn có nghề xe ôm, nhưng mấy năm trước anh bị tai biến liệt 1 tay, 1 chân, phải bỏ nghề. Chiếc xe máy là cần câu cơm duy nhất cũng phải cầm cố để lấy tiền trang trải. Cuộc sống anh lâm vào cảnh bi cực. Ngày lên Cần Thơ tìm việc, trong túi còn vỏn vẹn 200.000 đồng, đến tối không biết ở đâu, anh phải bấm bụng thuê nhà trọ 150.000 đồng để qua đêm.

Anh Lê Quốc Tùng, kể về cuộc đời mình và sự may mắn khi tìm được chỗ ở giá rẻ - Ảnh: Thanh Nguyên

Rồi anh nghe người ta chỉ nhà trọ giá trẻ Kiến An, anh lật đật tìm tới và ở đây lâu dài cho tới giờ. Mỗi buổi chiều, anh bắt xe buýt tới chỗ làm rồi sáng hôm sau đi xe ôm về Kiến An để ngủ. “Lương tháng có hơn 3.000.000 đồng, tiết kiệm lắm thì mới đủ, lo được cho cha mẹ hay con cái”, người đàn ông 42 tuổi buồn bã kể.

Chị Lữ Thanh Linh cho biết, mỗi người đến đây đều có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau, ở họ luôn phảng phất một nỗi buồn vô hạn và tương lai mịt mù. Dù vậy, trong số những người ở đây cũng có hoàn cảnh đặc biệt hơn.

“Như trường hợp của mộtchú tên Tống, chú có nhà tình thương nhưng ở có một mình. Khi biết đến Kiến An, ngày đầu tiên chú vô ở và đưa luôn 45.000 đồng cho 1 tháng ở lại. Chú nói ở đây còn có người quan tâm chú, chứ ở nhà một mình, có khi chú nhắm mắt không ai hay. Hằng ngày chú qua Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ tập vật lý trị liệu, đến tối mới về”, chị Linh kể.

Kiến An Resident có khoảng 15 phòng với 60 giường ngủ, đa số là giường tầng sẵn sàng phục vụ khi khách cần. Ở đây, mỗi khi chiều tối, những khách trọ lại cùng ra trước sảnh ngồi hàn huyên, tâm sự về cuộc đời của mình. Qua câu chuyện họ cảm thông, chia sẻ với nhau những nỗi vất vả, gian truân của cuộc sống. Và sau 1 đêm ngon giấc, họ như được tiếp thêm sức mạnh để đương đầu với cuộc sống khó khăn.

Một góc của cơ sở lưu trú Kiến An, nơi mà khách trọ có thể ngồi trò chuyện, thư giãn - Ảnh: Thanh Nguyên

Xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, nhưng chị Linh cho biết ở Kiến An không nhận tiền giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Theo chị, khi có nhà hảo tâm muốn góp sức, chị có thể nhận các nhu yếu phẩm, lương thực, áo quần… để giúp đỡ những người khó khăn, còn tiền mặt thì chị từ chối. Chị nói: “Nếu các mạnh thường quân muốn giúp đỡ 1 trường hợp cụ thể nào đó, chúng tôi có thể làm cầu nối cho 2 bên gặp nhau. Còn chúng tôi không can thiệp vào”.

Tổ ấm này luôn sẵn sàng 24/24 để đón tiếp những hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu bức thiết về chỗ ở. Những người khách trọ ở đây đều mong rằng, mô hình thiện nguyện này sẽ ngày càng nhân rộng ra khắp nơi. Để ở mỗi tỉnh, thành phố đều có một tổ ấm cho những phận người bơ vơ.

Thanh Nguyên

Nguyên Việt