Xây dựng Nông thôn mới có chênh lệch khá lớn giữa các địa phương
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:56, 15/09/2019
Theo đó, qua 10 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới (NTM), vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Như Bạc Liêu là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về phát triển nông nghiệp, song trước năm 2010, đây là một trong những tỉnh nghèo của ĐBSCL.
Kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội thấp kém, đời sống của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thu nhập bình quân đầu người thấp; các công trình phúc lợi xã hội phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm… chưa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, một trong những vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu quan tâm thực hiện là xây dựng ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển. Để giải quyết một cách căn cơ vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Bạc Liêu đã điều chỉnh sản xuất nông nghiệp trên cơ sở kinh tế thị trường và lợi thế của vùng.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, cơ chế hóa thay thế lao động thủ công, nâng cao năng suất, chất lượng của nông sản địa phương. Đặc biệt là chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu – ông Nguyễn Quang Dương, cho biết, Bạc Liêu là tỉnh nằm ở vị trí ven biển, trung tâm của bán đảo Cà Mau, thuộc vùng ĐBSCL với diện tích tự nhiên gần 270.000 héc-ta, dân số trên 900.000 người. Vai trò nông nghiệp ở địa phương rất quan trọng trong cơ cấu, chiến lược kinh tế của tỉnh.
“Nông thôn là địa bàn hết sức quan trọng, với trên 70% dân số toàn tỉnh, phát triển nông nghiệp hiện tại là các nhóm ngành nông, công nghiệp với các chuỗi giá trị, tiêu chuẩn quản trị quốc tế và hội nhập hiệu quả đối với giá trị toàn cầu được xác định là một trong năm trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nông nghiệp là trọng tâm”, ông Dương nhấn mạnh.
Theo Bộ NN-PTNT, vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL là hai vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế năng động, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Riêng, ĐBSCL là vùng sản xuất trọng điểm về nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia, có đóng góp lớn về xuất khẩu. Sau 9 năm, triển khai xây dựng NTM 2 vùng đã đạt được những kết quả đáng trân trọng,
Cụ thể, về công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình, giai đoạn 2010 – 2015, các địa phương đã tập trung các hoạt động, hành động Ban chỉ đạo chương trình, các Văn phòng điều phối NTM của các tỉnh. Xây dựng kế hoạch hành động, tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, đảm bảo công tác cán bộ các cấp về xây dựng NTM. Giai đoạn 2016 – 2020, các địa phương đã bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, nhất là cơ chế phân cấp, quy định linh hoạt tiêu chí hạ tầng, kinh tế - xã hội có trọng tâm và đi vào chiều sâu.
Đến nay, có ba địa phương đi đầu trong xây dựng NTM đó là, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Hầu hết, các địa phương đều triển khai, quảng bá rất tốt về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tuy hiên, cả nước hiện còn chín địa phương chưa triển khai, quảng bá chương trình này. Trong đó, vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL đã có sáu địa phương chưa triển khai, thực hiện.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, thông tin: “Đến cuối tháng 8.2019, cả nước đã có 4.552 xã đạt 50,8% số xã đã đạt 19 tiêu chí về xây dựng NTM; 89 đơn vị cấp huyện , đạt 13,4% của 37 tỉnh thành trong cả nước đã được Thủ tướng chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”.
Đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tập đoàn Việt – Úc - Ảnh: Trần Duy
Đến hết tháng 6.2019, cả nước đã đạt chương trình xây dựng NTM đến năm 2020, tức đã về trước so với Nghị quyết của Quốc hội 18 tháng. Sau 9 năm triển khai xây dựng chương trình xây dựng NTM, vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong đó, hình thành những mô hình là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của cả nước.
Đến hết tháng 8.2019, 2 vùng đã có 874 xã, chiếm 50,49% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM trong cả nước. Trong đó, vùng Đông Nam bộ đạt 69,89% và có 18 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, chiếm 20% số huyện được công nhận trong cả nước. Có ba tỉnh, thành phố đạt và vượt chỉ tiêu đến 2020 và là vùng dẫn đầu của cả nước về kết quả xây dựng NTM.
Vùng ĐBSCL đã có 563 xã, chiếm 43,78% được công nhận đạt chuẩn NTM và có 12 đơn vị đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, chiếm 13,5% các đơn vị cấp huyện của cả nước, có 4/13 tỉnh đã vượt mục tiêu đề ra đến 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, cho rằng, kết quả xây dựng NTM của các địa phương còn có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương.
“Việc đầu tư và sử dụng cơ sở hạ tầng chưa được hiệu quả và chưa đồng bộ. Cơ sở hạ tầng thì nhanh chóng xuống cấp do tác động của biến đổi khí hậu. Thu nhập của nông dân còn thấp và có sự chênh lệch với đô thị còn cao. Đáng chú ý là việc triển khai các sản phẩm OCOP, hiện có rất nhiều các sản phẩm OCOP của các địa phương vào siêu thị, sắp tới đây các sản phẩm này sẽ có triển lãm toàn quốc”, Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện trên cả nước còn có chín tỉnh chưa phê chuẩn kế hoạch triển khai các sản phẩm OCOP. “Trong chín tỉnh này thì hai vùng của chúng ta có sáu tỉnh chưa triển khai sản phẩm OCOP. Có thể nói, việc triển khai mỗi xã một sản phẩm rất hiệu quả”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Trần Duy