Bộ trưởng Tài chính yêu cầu thanh tra doanh nghiệp liên kết, có dấu hiệu chuyển giá
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:39, 17/09/2019
Trước thực trạng nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi ngày càng tăng cao, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa mới ra yêu cầu cần tăng cường kiểm soát việc triển khai thanh tra, kiểm tra thuế trong đơn vị theo từng tuần, tháng, quýđể đôn đốc bố trí nguồn lực phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và có giải pháp hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019.
Đối tượng thanh tra, kiểm tra cần tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, doanh nghiệp lớn nhiều năm chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp hoàn thuế lớn, hoặc các doanh nghiệp liên kết có rủi ro cao về giá chuyển nhượng...
Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp cần theo dõi cập nhật kịp thời tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn; đẩy mạnh công tác giám sát việc kê khai thuế của người nộp thuế để thu kịp thời các khoản thuế phát sinh phòng tránh việc kê khai thấp, không sát với thực tế hoặc chuyển sang kỳ kê khai tiếp theolàm ảnh hưởng đến số thu nộp Ngân sách Nhà nước.
"Cần phải quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế như tổ chức rà soát, phân loại nợ, theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ thuế để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế, tăng cường đôn đốc xử lý nợ chây ỳ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, công khai thông tin nợ thuế, phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các đội liên ngành rà soát thu hồi nợ đọng thuế để thực hiện phương án xử lý nợ đọng thuế mà Cục thuế, Chi cục thuế đã xây dựng từ đầu năm, đồng thời, thu triệt để các khoản nợ mới phát sinh trong năm 2019", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởngTài chínhcho biếttrong thời gian qua, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31.12.2018 là 81.618 tỉ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31.12.2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỉ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ. Cơ quan thuế quản lý là 37.572 tỉ đồng, Cơ quan Hải quan quản lý là 3.815 tỉ đồng.
Tổng cục Thuế cho biết trong 8 tháng qua đã thanh tra 295 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, kiến nghị xử lý qua thanh tra hơn 7.900 tỉ đồng.
Hiện nay, một số tập đoàn kinh tế trong nước và liên doanh đã lợi dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo ngành nghề kinh doanh và địa bàn đầu tư, thành lập một số công ty con hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau để chuyển lợi nhuận trước thuế từ nơi không được ưu đãi thuế sang nơi được ưu đãi thuế, hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp bị lỗ thông qua chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên không theo giá thị trường, làm giảm hiệu quả chính sách quản lý nhà nước và méo mó thị trường.
Kiểm toán Nhà nước năm 2018 đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nội lớn có dấu hiệu trốn thuế thông qua hình thức chuyển giá, trong đó Habeco và Sabeco là 2trường hợp tiêu biểu. Bằng cách thức thành lập các công ty con là các cơ sở kinh doanh thương mại, hai “ông lớn” này đã thực hiện bán hàng và kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán của cơ sở sản xuất bán cho các công ty con và không thấp hơn 10% so với giá các công ty con bán ra, làm giảm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ngân sách.
Theo Kiểm toán Nhà nước, thống kê những năm qua cho thấy cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tụcnhiều năm.
Tuyết Nhung