Áp lực gia đình của hoàng tử đồng tính
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:52, 26/09/2019
Thậm chí, họ còn xem xét khả năng phẫu thuật để "chữa bệnh" đồng tính cho hoàng tử Manvendra Singh Gohil. Lớn lên trong cung điện rộng lớn và được vây quanh bởi người hầu, suốt thời gian, Manvendra Singh Gohil không được sống đúng với con người của mình.
Hoàng tử Manvendra Singh Gohil sinh ngày 23.9.1965 là con trai người đứng đầu tiểu quốc Rajpipla, bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ. Từ nhỏ, Manvendra đã bị thu hút bởi người đồng giới nhưng "không rõ điều gì xảy ra với mình".
Tháng 1.1991, theo sự sắp đặt của bố mẹ, Manvendra kết hôn với Chandrika Kumari, công chúa vương quốc Jhabua ở bang Madhya Pradesh. "Tôi nghĩ rằng cưới vợ, sinh con sẽ giúp mình trở nên bình thường", Manvendra lý giải quyết định kết hôn.
Tuy nhiên, hoàng tử sớm nhận ra cuộc hôn nhân không tình yêu "là một thảm họa". "Giờ thì hai người phải chịu đựng chứ không phải một. Tôi rất hối hận vì đã phá hỏng cuộc đời của Chandrika", ông trải lòng.
Năm 1992, Chandrika đâm đơn ly dị vì biết xu hướng tình dục thực sự của chồng. Từ đó về sau, Manvendra kiên quyết từ chối tái hôn.
Không chỉ Manvendra, khoảng 80% đàn ông đồng tính ở Ấn Độ bị ép lấy vợ. Thời điểm đó, nước này vẫn coi hành vi quan hệ tình dục giữa người đồng giới là phạm luật. May mắn, Chandrika đồng ý giữ bí mật cho chồng cũ.
Áp lực làm hoàng tử mẫu mực cho người dân noi theo và cuộc sống giả dối trái với bản chất khiến Manvendra suy nhược thần kinh. Năm 2002, ông nhập viện. Một bác sĩ tâm thần thông báo với bố mẹ hoàng tử rằng con họ là người đồng tính chứ không mắc bệnh gì nhưng hai người này không đồng tình.
Manvendra bị bố mẹ yêu cầu làm đủ thứ để trở lại "bình thường", từ ăn chay đến chép tên thần Ram hàng nghìn lần, đến đi tư vấn và sốc điện. "Nếu bạn không vâng lời, bố mẹ sẽ đe dọa bạn. Ví dụ, họ bảo sẽ nhảy xuống giếng", Manvendra nhớ lại.
Thử nhiều cách mà không hiệu quả, bố mẹ Manvendra đành chấp nhận sự thật con mình đồng tính nhưng cấm hoàng tử tiết lộ cho ai khác.
Năm 2005, nhà báo Chirantana Bhatt tiếp cận Manvendra và được hoàng tử kể về chuỗi ngày che giấu bản thân. Ngày 14/3/2006, câu chuyện của Manvendra được công bố trên tờ Divya Bhaskar. Hôm sau, tin tức lan sang các báo khác, từ địa phương đến quốc tế.
Ban đầu, Manavendra bị dân làng cười nhạo và chế giễu, có người còn đốt hình nộm của ông. Cùng lúc, gia đình kết tội Manavendra bôi xấu dòng họ và từ ông, tước mọi quyền thừa kế.
"Thật khó để công khai giới tính ở Ấn Độ. Có quá nhiều sự kỳ thị. Xã hội không cho phép các bậc phụ huynh chấp nhận con họ đồng tính", hoàng tử nói.
Hoàng tử Manavendra bị tước quyền thừa kế sau khi công khai giới tính. Ảnh: Lakshya Trust.
Dù vậy, đối với cộng đồng đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT), Manavendra trở thành anh hùng. Ngày 24/10/2007, xuất hiện trên show truyền hình của Oprah Winfrey, hoàng tử tuyên bố: "Tôi biết họ sẽ không bao giờ chấp nhận con người thật của mình nhưng tôi cũng biết mình không thể sống với sự dối trá. Tôi muốn công khai vì tôi không muốn ở trong bóng tối".
Hiện nay, Manvendra trở thành người vận động vì quyền lợi người đồng tính. Năm 2014, ông thành công trong việc kêu gọi xóa bỏ điều luật 377 coi đồng tính là tội lỗi. Hoàng tử cũng lập ra quỹ từ thiện phòng chống HIV mang tên The Lakshya Trust.
Năm 2018, Manvendra mở cửa khuôn viên lâu đài rộng 6 hécta để cưu mang những người LGBT "không còn gì" sau khi bị gia đình chối bỏ vì công khai giới tính. Ông khuyến cáo người dân trước khi công khai hãy chuẩn bị độc lập về mặt tài chính. "Điều đầu tiên mà bố mẹ bạn có thể làm là cắt hỗ trợ tài chính", hoàng tử giải thích.
Năm 2017, trong bài phỏng vấn với San Francisco Bay Times, Manvendra cho biết mối quan hệ của ông với bố đã bớt căng thẳng. Riêng mẹ ông chưa chấp nhận con trai mình đồng tính. "Chúng tôi vẫn đang cố gắng", Manvendra nói.
Theo VNE