Người bí ẩn hé lộ sự thật về nguồn gốc của lô thuốc giả của VN Pharma
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:49, 27/09/2019
Ngày 27.9, sau khi đại diện VKSND TP.HCM đã công bố bản luận tội các bị cáo trong vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Công ty VN Pharma. Sau đó các luật sư đã thực hiện việc bào chữa cho các bị cáo. Nội dung đáng chú ý là phần tranh luận về nguồn gốc thuốc H-Capita.
Thuốc kém chất lượng hay thuốc giả?
Bào chữa cho nguyên tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng, luật sư Nguyễn Đình Hưng dẫn các tài liệu xác minh của Bộ Y tế tại Ấn Độ về nguồn gốc thuốc. Các tài liệu này đều thể hiện lô thuốc có nguồn gốc từ nhà máy đạt tiêu chuẩn ở Ấn Độ, lô thuốc đạt tất cả tiêu chuẩn lúc xuất xưởng.
Luật sư Hưng cũng dẫn 3 kết quả kiểm định chất lượng lô thuốc vào 3 thời điểm khác nhau và nhận định: cứ thời gian càng dài (hạn sử dụng thuốc còn lại càng ngắn) thì hàm lượng hoạt chất càng giảm đi. Vì vậy luật sư cho rằng các kết luận về chất lượng thuốc theo thời gian là phù hợp và không mâu thuẫn với nhau.
Trong những phiên xử trước đó, ông Ngô Nhật Phương (doanh nhân, chồng ca sĩ Trang Nhung) có mặt ở tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Doanh nhân này nói rằng lô thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập về được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ, chỉ giả về nhãn mác chứ không giả về chất lượng.
Ông Phương giải thích lý do có mặt ở tòa là do quen với những người làm trong Hiệp hội Dược Ấn Độ. Khi nghe thông tin dư luận ở Việt Nam lên án về H-Capita là thuốc giả, họ nhờ ông Phương tìm giúp người biết tiếng Việt và tiếng Anh để dịch hồ sơ.
"Tôi nghĩ việc này rất rõ ràng, là thuốc thật. Các bị cáo làm giả hồ sơ nhãn mác, biến thành hàng Canada để trục lợi vì hàng Canada giá cao gấp 5 lần Ấn Độ. Lần cuối cùng tôi khẳng định là thuốc thật 100%", ông Phương khẳng định.
Theo ông, Ấn Độ khẳng định thuốc H-Capita được sản xuất tại nhà máy của nước này, đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng. Khi công ty dược ở Ấn bán thuốc cho Việt Nam, họ được đề nghị ghi xuất xứ ở Canada nhưng công ty này không đồng ý, nói bên mua có thể tự dán nhãn khi thuốc xuất ra khỏi Ấn Độ.
Tuy nhiên, nội dung cáo trạng truy tố cho thấy nguồn gốc lô thuốc cũng được ghi không phải từ Canada. Trên các thùng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Qua xác minh, Interpol Ấn Độ lại cho rằng không có thông tin về lô thuốc này.
Trong khi đó, Kết luận giám định số 31 ngày 22.4.2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế đã kết luận: "Lô thuốc có nhãn mác thuốc H-Capita 500 mg Caplet có chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Kiểm tra các chỉ tiêu về mô tả màu sắc viên thực tế (màu hồng) không giống với màu sắc viên theo yêu cầu trong tiêu chuẩn cơ sở (màu đỏ), không đạt yêu cầu chất lượng tiêu chuẩn 'tạp chất liên quan, phần tạp không định danh lớn nhất' theo tiêu chuẩn cơ sở, kết quả kiểm nghiệm tạp không định danh lớn nhất là 0,17%, trong khi tiêu chuẩn cơ sở phải thấp hơn 0,1%.
Kiểm tra tờ Hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet có một số chi tiết không đúng với tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc thiết kế trong hồ sơ đơn hàng nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký đã được Cục Quản lý dược phê duyệt".
Sự thật về nguồn gốc thuốc
Trước đó, khi HĐXXcông bố văn bản giải mật, phát biểu quan điểm luận tội, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa phát biểu quan điểm khẳng định lô thuốc H-Capita là... thuốc giả. Cụ thể, tại công văn của Bộ Y tế gửi Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khẳng định lô thuốc H-Capita là lô thuốc kém chất lượng vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan điều tra.
Việc xác định lô thuốc H-Capita có phải thuốc giả hay hàng giả còn tùy từng trường hợp cụ thể đối chiếu với các văn bản.Tuy nhiên, khi phát biểu quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát vẫn khẳng định H-Capita là thuốc giả vì hồ sơ cho thấy lô thuốc này không có nguồn gốc, Công ty Helix Canada là không có thật; tiêu chuẩn thuốc do bị cáo Phạm Văn Thông viết ra, không xác định được thuốc này theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất...
Bảo vệ cho bị cáo Võ Mạnh Cường, luật sư Phạm Quốc Hưng cho rằng thuốc giả và thuốc kém chất lượng là hai khái niệm khác nhau đã được các chuyên gia kết luận. Kết quả kiểm định là thuốc kém chất lượng, nhưng cáo trạng và luận tội đều cho là thuốc giả.
Luật sư Hưng cho rằng, phải kết luận vào thời điểm nhập hàng chứ không phải chờ hơn 1 năm sau sẽ thiếu đi tính khách quan chính xác. Đấy là chưa nói kết luận ảnh hưởng đến uy tín của nhà máy sản xuất thuốc.
"Đáng tiếc là cơ quan điều tra kết luận kém chất lượng, đây là sai sót lẽ ra điều chỉnh lại thì đi xa hơn, kết luận luôn là thuốc giả. Đây là thuốc thật, không phải là thuốc giả. Thuốc giả thì nguy hại cho xã hội. Còn xuất xứ giả thì chỉ có hậu quả là giúp bị cáo thu lợi bất chính, làm xáo trộn quản lý nhà nước", luật sư của bị cáo Cường nêu quan điểm.
Trước đó, trong quá trình xét xử tại tòa, Cường một mực kêu oan cho rằng cáo trạng truy tố không đúng. Cường nói không quan tâm cách thức và thủ tục nhập khẩu thuốc vào Việt Nam vì chỉ tập trung vào việc xúc tiến thương mại và cầu nối giữa ông Raymundo và Công ty VN Pharma. Giá thuốc cũng do Raymundo đưa ra, Cường chỉ nhận tiền công từ ông này.
Theo luật sư Hưng, nhân vật Raymundo là người có thật đã cung cấp thuốc thật, nhưng giấy tờ thì làm giả, tinh vi đến mức giả hợp pháp hóa lãnh sự, các cơ quan chức năng Việt Nam đều không phát hiện được. "Vì vậy, làm sao bị cáo Cường biết được đó là giả?", luật sư đặt vấn đề
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Võ Mạnh Cường tiếp tục đề nghị HĐXX làm rõ vai trò của Raymundo nên bị cáo không biết là thuốc giả. Bị cáo đã cung cấp hình ảnh, số điện thoại, địa chỉ, thông tin liên lạc với ông Raymundo. Trong những phiên xử trước, tòa cũng thông tin việc nhân vật này sẽ được tách ra điều tra xét xử sau.
Chiến Quốc