Báo Giáo dục Việt Nam phải bồi thường gần 15 triệu đồng cho FLC

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:28, 30/09/2019

HĐXX tuyên buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải bồi thường cho Công ty CP Tập đoàn FLC 14,9 triệu đồng.

Ngày 30.9, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã đưa vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại giữa Công ty CP tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ra xét xử.

Sau một ngày xét xử, HĐXX tuyên bố chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tập đoàn FLC đối với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam; buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải đăngcải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho Tập đoàn FLC.

HĐXX cũng tuyên buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải bồi thường cho Tập đoàn FLC gần 15 triệu đồng.

Theo đơn khởi kiện của Tập đoàn FLC, ngày 1.10.2018, Báo điện tử Giáo dục Việt Namđã đăng tải bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng”. Tuy nhiên, Tập đoàn FLC cho rằng thông tin đăng trên báo về việc tập đoàn “vẫn tìm các lý do chưa chịu trả tiền” cho 2 hợp đồng với Công ty CP tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) là sai sự thật. Tập đoàn FLC và Công ty Hòa Bình vẫn đang trong quá trình đàm phán, trao đổi để thực hiện 2 hợp đồng trên.

Đến nay, việc thanh, quyết toán 2 hợp đồng trên chưa thực hiện được là do giữa 2 bên còn tồn tại một số bất đồng. Vì vậy, phía FLC cho rằng những thông tin được đăng tải tại bài viết trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam là những thông tin sai sự thật.

Xét về trình tự thủ tục thực hiện hợp đồng giữa 2 công ty, HĐXX xét thấy thực tế đến cuối tháng 7.2018, Công ty Hòa Bình và Công ty FLC vẫn chưa thống nhất được với nhau về số nợ và phương thức thanh toán, được thể hiện bằng 2 công văn của Công ty Hòa Bình.

Việc chưa thống nhất được số tiền phải thanh toán cho các công trình mà Công ty Hòa Bình thực hiện nên Công ty FLC chưa thanh toán cho Công ty Hòa Bình, gây khó khăn cho Công ty Hòa Bình. Tuy nhiên, theo HĐXX, theo quy định của hợp đồng 2 bên đã ký, lẽ ra Công ty Hòa Bình phải có đơn khởi kiện đến Trọng tài Thương mại, hoặc Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.

Việc Công ty Hòa Bình có đơn kêu cứu đến các cơ quan báo chí là không đúng những quy định trong bản hợp đồng mà 2 Công ty đã ký.

Vi phạm Luật báo chí

Tại thông cáo báo chí phát đi ngày 24.9, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định việc đăng tải thông tin tại bài báo nói trên là hoàn toàn đúng sự thật dựa trên các tài liệu chính xác, đúng Luật báo chí, Luật phòng chống tham nhũng và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với báo chí đấu tranh chống lại tệ tham ô, tham nhũng, các biểu hiện sai trái, tiêu cực…

Theo kết quả xác minh của Tòa án, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng” là không đúng với giấy phép hoạt động của mình; khi đăng bài chưa xác minh tính hiện thựccủa việc nợ đọng giữa 2 công ty. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài trên thuộc một trong các hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 8 Điều 9 Luật báo chí 2016.

Với quan điểm trên của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, HĐXX dẫn chứng quyết định số 290/QĐ-XPVPHC ngày 1.11.2018 của Cục Báo chí (Bộ TT-TT) đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vì hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Điều đó thể hiện Quý báo đăng bài không đúng theo giấy phép hoạt động đã được cấp.

Về việc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trình bày việc đăng bài theo quy định của pháp luật, theo Luật báo chí, Luật phòng chống tham nhũng… HĐXX nhận định những điều luật nêu trên không có cơ sở thuyết phục.

Nhã Thanh

Thu Anh