Chủ tịch Quốc hội: Không dùng những người chạy chức, chạy quyền
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:21, 04/10/2019
Nhiều vấn đề lớn, nóng, gây bức xúc trong dư luận xã hội được nhiều cử tri quan tâm và đặt câu hỏi, như: tham nhũng, chạy chức chạy quyền, đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông ở ĐBSCL, xâm hại tình dục…
Các cử tri bày tỏvấn đề tham ô, tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm, giám sát, trong đó đưa ra xử lý nhiều vụ rất lớn. Nhưng cử tri đề nghị công bố thêm kết quả thu hồi được bao nhiêu tài sản từ những vụ tham ô, tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội hồi đáp, hiện nay vấn đề tham nhũng đang xử lý rất mạnh tay, nhưng điều người dân quan tâm là tiền tham nhũng có thu hồi được không?
Các vụ án kết thúc điều tra và đã xử xong thì đều công bố số tiền phải thu hồi. Như vụ Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) bán 95% cổ phần, hiện đã thu hồi được gần 9.000 tỉ đồngcả gốc và lãi theo lãi suất ngân hàng. Sắp tới tòa xử, sẽ xác định là thu hồi được bao nhiêu số tiền tham nhũng trong vụ án này.
Các đại biểu, cử tri có mặt tại buổi tiếp xúc- Ảnh: Thanh Nguyên
“Trong vụ án này, nhà nước chưa mất tiền nhưng mất thì giờ, mất công sức quá, mất niềm tin của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nói. Bà cho biết thêm, những vụ án tham nhũng, hàng năm các cơ quan thi hành án đều báo cáo Quốc hội đã thu hồi được bao nhiêu tài sản.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao ý kiến của cử tri rất khách quan khi nói rằng, chạy chức chạy quyền nếu có thì không nhiều. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa ra quy định phòng chống và xử lý nghiêm tất cả những trường hợp chạy chức chạy quyền. Bà nhấn mạnh rằng, bất cứ trường hợp nào bị phát hiện là không dùng, ai đã chạy nói thẳng là không dùng. Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương phải nêu gương, cán bộ và nhân dân giám sát.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ phải chú ý những người có đức có tài và người có năng lực thực tiễn thật sự. Người có phẩm chất đạo đức, nhiệt tình, năng nổ nhưng không có kiến thức, nghiệp chuyên môn thì cũng không làm được việc. Do đó, vừa phải có đức vừa phải có tài. Vừa có phẩm chất đạo đức vừa phải có năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện thì mới xây dựng quê hương đất nước được.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đất nước đang xây dựng, không thể không chú ý bằng cấp nhưng đừng nặng nề quá.Đối với vấn đề xâm hại trẻ em hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận đây là sự xuống cấp đạo đức xã hội. Quản lý trẻ em là từng gia đình, nhà trường, xã hội. Nhà nước ban hành chính sách pháp luật, có các cơ quan chức năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, rồi vai trò giám sát của cộng đồng.
“Xâm hại trẻ em rất cụ thể, ở nhà nào, xóm nào, khu phố nào, Quốc hội không bao giờ biết đứa trẻ nào bị xâm hại nếu như nhân dân không giám sát, không báo cáo và những vụ việc đó được phanh phui, các cơ quan thông tấn báo chí nêu ra và cả xã hội vào cuộc”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là trách nhiệm chung của xã hội, trước hết là gia đình phải bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cháu, sau đó là cả cộng đồng. Quốc hội đã chọn chuyên đề này để thực hiện giám sát. “Vừa rồi, số trẻ bị xâm hại tình dục, bị ngược đãi, cưỡng bức lao động nói chung, pháp luật đều nghiêm cấm. Còn vụ việc cụ thể, xử phạt hành chính 200.000 đồng, xã hội rất bức xúc”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo bà đây là khung, mức độ áp dụng xử phạt hành chính nhưng bản án nặng nề nhất là lương tâm, xấu hổ với người thân, gia đình, bạn bè và xã hội. Quốc hội rất quan tâm, trong các cuộc họp đều nêu ra vấn đề này.
Thanh Nguyên