TS Nguyễn Văn Lạng 'hiến kế' cho nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:10, 06/10/2019

Giải pháp căn bản và lâu dài để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững cho nông nghiệp, nông thôn là nâng cao năng lực sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ. Đó là tinh thần chung mà TS Nông nghiệp Nguyễn Văn Lạng đã khẳng định khi bàn về những vấn đề phát triển và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Trao đổi với PV Báo Một Thế Giới về giải pháp phát triển bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam, TS Nông nghiệp Nguyễn Văn Lạng đưa ra nhiều đề xuất lớn. Thứ nhất, theo TS Lạng, cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp điều chỉnh toàn bộ nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

Cụ thể về Luật Đất đai: Cần dứt khoát điều chỉnh cho phép tích tụ ruộng đất, định giá trị sử dụng đất nông nghiệp để làm cơ sở cho việc nông dân góp cổ phần bằng đất vào các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, nông sản quy mô quốc gia, quốc tế: cà phê, cao su, sữa bò, bò thịt, rau, hoa quả, muối, nuôi trồng và chế biến thủy sản,… Hàng loạt các văn bản dưới luật phải được sửa phù hợp với điều kiện thực tế.

Với Luật Bảo vệ phát triển rừng: Không nên chia rừng thành 3 loại: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng kinh tế mà nên chia rừng theo 2 loại theo sở hữu: Rừng quốc gia do Nhà nước quản lý, đầu tư, bảo vệ và phát triển và Rừng kinh tế: do các thành phần, tổ chức kinh tế quản lý, kinh doanh, phát triển và bảo vệ.

Phải quy định trong nông nghiệp, công nghiệp có rừng để che bóng, chắn gió, phòng hộ. Hồ thủy điện, khu công nghiệp, nhà máy, trong đô thị, khu đông dân cư phải có rừng; trong trường đại học, viện nghiên cứu phải có rừng, phải trồng cây xanh tạo bóng mát, phong cảnh. Phải có quy định rất chặt chẽ và bắt buộc trồng rừng.

Cho phép đấu giá quyền khai thác, sử dụng rừng tự nhiên, đất trống đồi trọc cho tích tụ để có các chủ rừng kinh tế lớn, chủ rừng phòng hộ lớn hưởng các chi phí thu nhập từ dịch vụ rừng. Bên cạnh đó là cần sửa đổi Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư để tạo điều kiện kêu gọi các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và thế giới đầu tư vào nông nghiệp, tạo quy mô sản xuất, sản phẩm, xuất khẩu và thương hiệu lớn về nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế và đáp ứng cho tiêu dùng nội địa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai là đánh giá lại các vùng sinh thái để có chính sách, chương trình đầu tư phù hợp, hiệu quả. Hiện tại, Việt Nam có 7 vùng sinh thái: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Miền Tây Nam Bộ. TS Lạng cho rằng nên đánh giá tiềm năng thực tế và dự báo tương lai nông nghiệp của các vùng để có chính sách phù hợp. Nên tập trung trước mắt vào Miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng Bắc Bộ vì các vùng này có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và hiện tại là 4 vùng nông nghiệp lớn nhất, tập trung nhất của các nước.

"Nên có các chương trình tập trung lớn cho phát triển 4 vùng này tạo ra quả đấm lớn về sản xuất, khoa học công nghệ, xuất khẩu, thương hiệu nông sản Việt Nam, biến Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp nhiệt đới từ 4 vùng này", TS Lạng thẳng thắn đề xuất.

Thứ ba là đưa khoa học công nghệ mới, tiên tiến vào tất cả các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản Việt Nam. TS Lạng cho rằng với giải pháp này cần nghiên cứu áp dụng công nghệ của Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản và Israel vào Việt Nam như: công nghệ tạo giống, nhân giống, quản lý giống cho cây trồng vật nuôi...

Ví dụ cụ thể với lúa gạo, phải nghiên cứu để Việt Nam đảm bảo trên 80% giống lúa có chất lượng cao, giàu đạm, thơm dẻo; giống lúa chịu nước để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nên bỏ kinh phí nghiên cứu các gen lúa cũ, cổ truyền ở các vùng miền để bảo vệ nguồn gen và tạo sản phẩm đặc hữu sinh thái, cổ truyền gạo Việt Nam. Nên nghiên cứu cây lúa trời (lúa Ma) tại đồng bằng Tháp Mười để giải mã gen loại lúa này, tìm ra “gen ngoi nước” để có thể ghép cấy vào lúa thương mại tại đồng bằng châu thổ sông Mê Công nhằmthích ứng với nước biển dâng 50-100 năm sau.

Với cây cà phê, cần điều tra, khảo sát, lập hồ sơ các cây đầu dòng cà phê vối, cà phê chè Mocha (Moka), cà phê mít Bảo Lộc,… Xây dựng tập đoàn giống quốc gia, đồng thời dẫn nhập các giống cà phê Colombia, Bờ biển Ngà, Ấn Độ vào Việt Nam. Nên phát triển công nghệ ghép chồi, tạo cây đồng đều, nhanh thu hoạch cho các khu vực lớn, nguyên liệu tập trung cho các hãng cà phê lớn…

Các loại cây khác cũng nên đưa các công nghệ vào nhân giống như: mía, sắn, bông vải, ngô... Nên đánh giá, điều tra để tổng kết, hội thảo và đúc rút ra kinh nghiệm, quy trình sản xuất rau, hoa quả của Đà Lạt, Lâm Đồng để phổ biến, nhân rộng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, TS Lạng nhấn mạnh không nên chỉ xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Luật công nghệ cao nêu mà đưa các công nghệ mới, tiên tiến vào tất cả các công đoạn thu hoạch, chế biến, thương mại của một loại cây trồng vật nuôi, bắt đầu bằng một mô hình điểm sau đó nhân rộng ra với vật nuôi.

"Chúng ta đã có nhiều mô hình, chỉ cần đánh giá, đúc rút nhân rộng và kiểm soát chặt chẽ, chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu không phải là 50 triệu đồng/ha mà là hàng trăm triệu đồng/ha, thậm chí 1.000 triệu đồng/ha là có thể được. Hãy xem dân Đà Lạt làm hoa, dân Nam Bộ nuôi cá ba sa, dân Hòa Bình Cao Phong trồng cam, dân Mộc Châu làm dâu tây, dân miền Tây, miền Đông Nam Bộ làm bưởi da xanh, bưởi Năm roi, dân Tây Nguyên làm cà phê, trồng bơ, sầu riêng...", TS Lạng chia sẻ.

Sau giống là các biện pháp canh tác: Cần phải thâm canh bằng tưới nước vừa đủ, bón phân cân đối, có thể áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel, bón phân qua lá bằng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, phân vi sinh của Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan; Phải điều tra đánh giá lại môi trường đất, nhất là độ PH để có biện pháp điều chỉnh độ PH hợp lý cho đất theo cây.

Bộ NN&PTNT nên đặt đầu bài cho các cơ sở sản xuất, các viện, trường và nước ngoài chế tạo máy móc cho thu hoạch nông sản, chế biến nông sản, khuyến khích các công ty chế tạo máy xay xát gạo, chế biến cà phê,… để có một nền sản xuất chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam.

Thêm vào đó là đưa công nghệ mới vào chế biến nông sản, từ sơ chế nguyên liệu xuất khẩu tới chế biến sẵn ra sản phẩm có thương hiệu, có tên tuổi, có quy mô lớn, chỉ có cách dựa vào các doanh nghiệp, nhất là tư nhân, kêu gọi họ đầu tư mua công nghệ vào sản xuất từ gốc tới ngọn cho một loại sản phẩm.

Các công nghệ mô, gen, hom cần được tổ chức đưa vào sớm, giao các dự án cho các viện, trường, các tổng công ty nông nghiệp đầu tư để tiến tới xã hội hóa, tiến tới nông dân cũng làm được như Đà Lạt, Lâm Đồng. Các công nghệ tế bào phân tử, đột biến chiếu xạ cũng cần tiến hành đưa vàosản xuất quy mô rộng lớn.

Với chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, phải đưa vào các công nghệ sản xuất thức ăn tại chỗ, nguyên liệu ít nhập khẩu, và xử lý nước thải, phân bón gia súc bằng công nghệ vi sinh, tạo ra sản phẩm phụ từ phế thải chăn nuôi. Đó là một hướng đi nên làm. Brazil có công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ lúa gạo. Vì vậy, Việt Nam nên kêu gọi đầu tư hoặc nhập công nghệ vào Việt Nam.

Về quản lý, quản trị, ngành nông nghiệp Việt Nam nên đưa công nghệ thông tin, điện toán đám mây, internet tương tác vạn vật, hoặc các quy trình thông minh – smart vào trong quản lý. Lập trung tâm dữ liệu nông nghiệp quốc gia, dùng công nghệ GIS, GPS để theo dõi diễn biến tài nguyên đất, rừng, mùa màng, thiên tai,…để làm điều này mới hội nhập được với khu vực và thế giới.

Đối với các công nghệ MDF, HDF trong chế biến ván gỗ nhân tạo, cần phải có hẳn một chương trình để tạo điều kiện phát triển ngành chế biến hóa học về gỗ, để cấm xuất dăm gỗ, và không phải nhập hàng triệu m3 ván MDF của Malaysia vào Việt Nam.

Đối với các công nghệ bảo quản chiếu xạ nông sản xuất khẩu, các công nghệ hóa thực phẩm tiên tiến để sản xuất thực phẩm: bánh kẹo, đồ uống, đồ hộp, cà phê hòa tan, cà phê viên, sản phẩm cao su phục vụ dân sinh và công nghiệp, cần phải nhập, chuyển giao từ các quốc gia tiên tiến để tránh tụt hậu, để hội nhập và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Thứ tư, TS Lạng đề xuất tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, xây dựng các sản phẩm quốc gia như: lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, cây chè... Trong đó, vấn đề thu hoạch nông sản và xử lý phế thải nông nghiệp cần phải có chiến lược. Do đó cần có chủ trương thiết kế, chế tạo công nghệ phơi nhà kính, nhà lưới, sấy tầng sôi, sấy bức nhiệt, sấy tang trống,… Tận dụng phế thải, bùn nhiên liệu cho sấy nông sản.

Ví dụ, hàng triệu tấn vỏ quả cà phê, cùi bắp ngô, vỏ đậu đỗ, cây ngô, vỏ hạt điều,… đều có thể làm phân bằng công nghệ vi sinh, bằng lên men vi sinh và sử dụng enzym. Có thể sản xuất Bio cho than hoạt tính từ phế thải nông nghiệp. Hiện đã có mô hình sản xuất than hoạt tính và phân Bio từ bã sắn ở Đắk Hà, Kon Tum.

"Ở Brazil, người dân có nước uống bằng quả đào lộn hột. Ở Việt Nam, 176.000 ha đào lộn hột chỉ lấy hạt, quả bỏ đầy rừng, đầy vườn. Mà công nghệ này không phức tạp lắm. Rõ ràng là hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu tấn phế thải hàng năm sẽ cần phải có một chương trình thu hồi, chế biến ra năng lượng, ra phân bón và ra sản phẩm thứ cấp, tạo ra một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, hữu cơ và bền vững, hiệu quả, lâu dài", TS Lạng nói.

Thứ năm, TS Lạng cho rằng cần thiết phải tạo lập các Đại gia nông nghiệp. "Đó không chỉ là mục tiêu, là ý chí mà còn là điều kiện bắt buộc để nông nghiệp Việt Nam những năm tới hướng tới mục tiêu đột phá. Bộ NN&PTNT nên xác lập điều tra tất cả các vùng, miền, khu vực sinh thái, kinh tế, các loại cây trồng vật nuôi, các lĩnh vực có thể phát triển quy mô lớn. Tìm kiếm các doanh nghiệp đã, đang làm ăn có triển vọng và làm doanh nghiệp mới, kể cả Việt Kiều, cả người nước ngoài để kêu gọi, tạo điều kiện pháp lý, cơ sở vật chất, chính sách hỗ trợ mọi mặt để họ đầu tư vào nông nghiệp", TS cho hay.

Thứ sáu là hợp tác thương mại quốc tế. Theo TS Lạng, đây là xu thế tất yếu hiện nay. Nền nông, lâm, thủy sản, thủy lợi phát triển nông thông Việt Nam không thể đóng cửa, một mình một sân chơi mà phải hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. TS Lạng cho rằng trong cộng đồng các nước ASEAN, nên hợp tác với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin.... về cách tạo giống, cách tổ chức sản xuất lớn, khoa học công nghệ, nông lâm thủy. Sau đó là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Brazil, Hoa Kỳ, Israel,…

Với các nông sản, Việt Nam có thế mạnh như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su, thủy sản, đồ mộc... Vì vậy cần thiết nên có Hiệp định hoặc Nghị định thư để bắt tay trao đổi thông tin, kinh nghiệm, thị trường để có thể điều tiết thị trường thế giới. Sau đó là những công nghệ trong gieo trồng, nuôi chăm sóc, thu hoạch, chế biến, marketing...

Bên cạnh việc hợp tác với các nước, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu nông sản, nhãn mác hàng hóa nhằmquản lý và để quảng bá. Cần khai thác các cơ sở văn phòng đại diện, tham tán khoa học và công nghệ ở nhiều quốc gia để phát hiện, tìm ra các công nghệ, các giống cây trồng vật nuôi, các thiết bị và các vấn đề về quản lý, quản trị...

Ngoài ra, TS Lạng cũng cho rằng một trong những giải pháp thực tế với việc quản lý hệ thống chính sách nông nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả là cải tổ lại lại các viện nghiên cứu và các trường đào tạo để có thể tập trung chính vào nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, hợp tác liên doanh quốc tế xử lý các vấn đề còn tồn tại của nền nông nghiệp hiện nay...

Tuyết Nhung

tuyetnhung