Cử tri đề nghị cho ông Tất Thành Cang thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP.HCM

Sự kiện - Ngày đăng : 21:29, 08/10/2019

Nhiều cử tri quận 9 cho rằng ông Tất Thành Cang đã bị Trung ương cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM vì có nhiều sai phạm nghiêm trọng, không còn đủ uy tín và xứng đáng để làm nhiệm vụ đại biểu HĐND TP.HCM.
          

Sáng 8.10, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 7 TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 9.

Tại buổi tiếp xúc, Cử tri Trương Tuyết Cần (phường Phước Long B) cho rằng nhiệm kỳ này trải qua nhiều sóng gió và dẫn chứng: Đầu khóa này có dư luận chạy ghế ĐBQH tốn vài chục tỉ, giải quyết chưa xong thì lại xảy ra vụ ĐBQH mang 2 quốc tịch.

Ông Cần nhận xét nhiều ĐBQH sau khi vào Quốc hội không còn xứng đáng với lá phiếu tín nhiệm của cử tri. Một số ĐBQH sau khi được bầu không lo làm nhiệm vụ, chỉ lo … đánh bóng tên tuổi để giữ ghế.

Không ít ĐBQH đi họp đều đặn nhưng ngồi trong nghị trường cả khóa mà không phát biểu, khiến cử tri có cảm giác “các vị đó vào QH cho đủ ghế, đủ mâm, khiến dư luận cử tri rất bức xúc”, ông Cần nói.

Cử tri này đặt vấn đề: Trưởng Đoàn ĐBQH một tỉnh tổ chức tiệc cưới rình rang cho con, xin hỏi có còn xứng đáng làm ĐBQH hay không, có vi phạm những điều đảng viên không được làm không.

“Tỉnh Đồng Nai chỉ trong một nhiệm kỳ có đến 2 vị Trưởng đoàn ĐBQH bị kỷ luật. Ở TP.HCM, ông Tất Cang bị Trung ương cách chức vì có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng thì có còn xứng đáng làm đại biểu cho dân hay không”, ông Cần bức xúc chất vấn.

Cử tri Trương Tuyết Cần

Nói về ông Tất Thành Cang, cử tri Trương Tuyết Cần bức xúc chia sẻ thêm: “Sau khi bị kỷ luật, ông Tất Thành Cang vẫn ngồi ghế đại biểu HĐND TP.HCM, vẫn làm lãnh đạo một cơ quan, họp hành, phát biểu dõng dạc. Vì sao không cho ông ấy nghỉ mà vẫn để ngồi ghế đại biểu của dân. Làm như vậy là coi thường cử tri”.

Đồng tình với ông Cần, nhiều cử tri kiến nghị, nhiệm kỳ tới những đại biểu HĐND TP.HCM, ĐBQH nào không hoàn thành nhiệm vụ thì phải xử lý theo pháp luật để khôi phục niềm tin của cử tri.

Cử tri Nguyễn Xuân Hồng (phường Tăng Nhơn Phú B) bày tỏ lo ngại khi ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện hư hỏng, biến chất.

Ông Hồng dẫn chứng: Vừa qua xảy ra vụ gian lận điểm thi. Là thầy cô giáo mà trực tiếp đi mua điểm, nâng điểm, gian lận điểm thi.

“Gia đình Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh xin điểm cho con nhưng cơ quan chức năng chỉ phê bình vợ, khiển trách em gái ông Vinh, còn bí thư tỉnh ủy bình an vô sự thì có hợp lý, hợp tình?

Cử tri Nguyễn Xuân Hồng nói tiếp: Phó Chánh án quận 4 Nguyễn Hải Nam là người từng ngồi ghế chủ tọa xét xử án. Ông Tùng là giảng viên Trường nghiệp vụ về Kiểm sát. Cả hai là người làm việc trong ngành luật nhưng không xử lý vụ việc theo pháp luật mà cách làm như “anh em ngoài xã hội”; trong khi TP.HCM đang nỗ lực trấn áp tội phạm.

“Cán bộ sử dụng bằng giả không ít. Càng có nhan sắc càng dễ thăng chức vì được cấp trên “nâng đỡ không trong sáng”. Đề nghị QH vào cuộc giám sát, cho kiểm tra rà soát để loại trừ ra khỏi bộ máy những cán bộ sử dụng bằng giả để thăng tiến”, ông Hồng nói.

Thay mặt Tổ Đại biểu Quốc hội, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê đã ghi nhận ý kiến các cử tri và cam kết chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Trước đó vào cuối năm 2018, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XII) đã thông qua việc thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Qua hai kỳ họp thứ 31 (từ ngày 12 đến 14.11) và 32 (từ ngày 3 đến 6.12), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về những vi phạm, khuyết điểm của ông Tất Thành Cang và đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền.

Cụ thể, ông Tất Thành Cang được cho đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc; vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM.

Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM cũng vi phạm "các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp".

Ngoài ra, ông Cang còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.

Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Tất Thành Cang, sinh năm 1971, quê quán xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XI (dự khuyết), khoá XII. Từ năm 2004 đến năm 2009, ông là Bí thư Thành Đoàn TP.HCM và giữ vị trí Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 2 từ năm 2009 đến năm 2012.

Từ tháng 10.2012 đến tháng 6.2014, ông Cang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và sau đó là Phó chủ tịch UBND thành phố. Ông giữ chức Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM từ năm 2016 đến tháng 12.2018.

Theo Huy Thịnh/Tiền Phong

   

Theo Tiền Phong