Người dân có quyền ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ
Sự kiện - Ngày đăng : 06:42, 09/10/2019
Ngoài ghi hình, người dân có thể ghi âm hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của luật pháp và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.
Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự,an toàn giao thông(ATGT), nhằm thay thế Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009. Đây là dự thảo lần 3, đã có nhiều chỉnh lý so với 2 dự thảo trước.
Cụ thể, một trong những điểm đáng chú ý, là thay cho hình thức giám sát bằng quan sát như trước đây, tại dự thảo lần này quy định người dân được phép giám sát hoạt động của công an nhân dân (CAND), trong đó có lực lượng CSGT, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình, hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.
Người dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của CAND, trong đó cólực lượng CSGT, về nội dung tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT; giám sát việc chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong của cán bộ, chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ. Việc giám sát có thể được áp dụng theo hình thức thông qua các thông tin công khai của công an và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;… Thủ trưởng cơ quan Công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định.
Tình trạng CSGT lập chốt kiểm tra vi phạm trên cao tốc sẽ không còn |
CSGT không được lập chốt trên cao tốc
Song song dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT, Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến dự thảo (lần 2) Thông tư quy địnhquyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát, xử lývi phạm hành chính về giao thông đường bộcủa CSGT, thay thế cho Thông tư 01/2016.
Theo Thông tư 01/2016 hiện hành, CSGT được kiểm soát cơ động, kết hợp kiểm soát một điểm (lập chốt) công khai trên đường cao tốc. Tuy nhiên, quy định này đã và đang gây ra nhiềutranh cãi, bởi lẽ trên các tuyến cao tốc, các phương tiện thường lưu thông tốc độ 80 - 120 km/giờ, nếu dừng xe đột ngột sẽ gây ra nguy cơ mất an toàn cho người lưu thông lẫn lực lượng CSGT... Từ thực tế này, tại dự thảo lần 2 quy định trên đường cao tốc CSGT chỉ được dừng phương tiện vào làn dừng khẩn cấp khi phát hiện vi phạm trật tự, ATGT nghiêm trọng, nguy cơ gây mất ATGT tức thời, hoặc phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm. Sau khi dừng được phương tiện, phải đặt rào chắn bằng cọc tiêu hình chóp nón, biển báo "đi chậm" theo quy định của pháp luật về báo hiệu đường bộ, và bố trí CSGT hướng dẫn, điều tiết giao thông; khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn rào chắn, biển báo và di chuyển ngay.
Trao đổi với PVThanh Niên, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng,Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an, cho rằng dự thảo đưa ra quy định trên nhằm khắc phục được những hạn chế trước đây, sẽ không còn tình trạng CSGT lập chốt để xử lý phương tiện trên các tuyến cao tốc. “Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây nguy cơ mất an toàn cho người lưu thông mà lực lượng CSGT trên đường tuần tra kiểm soát phát hiện, thì ra tín hiệu chỉ dẫn về trạm kiểm soát, lối ra của đường cao tốc để xử lý. Đối với trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cần trấn áp ngay, sẽ có biện pháp dừng xe vào làn khẩn cấp”, tướng Dũng giải thích thêm. Theo Thanh Niên
4 trường hợp CSGT được yêu cầu dừng xe
Cũng theo dự thảo thay thế Thông tư 01/2016, khi tuần tra, kiểm soát, CSGT chỉ được yêu cầu dừng xe trong 4 trường hợp (thay vì 5 trường hợp như hiện nay). Cụ thể, CSGT được yêu cầu dừng xe khi trực tiếp phát hiện, hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch, phương án tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quanđiềutra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; tin báo, phản ánh, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Báo thanh niên