Điện đàm với ông Trump bị coi là hoạt động ngoại giao rủi ro
Quốc tế - Ngày đăng : 11:05, 09/10/2019
Cuộc điện đàm cuối tháng 7 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy vẫn còn dư âm ở Kiev, trong khi cuộc điều tra luận tội tại Washington vẫn đang tiếp diễn.
Giới nghị sĩ Mỹ nay còn yêu cầu tiếp cận nội dung các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo khác (trong đó có cả Tổng thống Nga Vladimir Putin) với lý do lo ngại Tổng thống Trump có thể gây hại đến an ninh quốc gia.
Cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gerard Araud – người từng giúp tổ chức nhiều cuộc điện đàm cho Tổng thống Emmanuel Macron,nhận xét: “Điện đàm với Tổng thống Trump chẳng thể giống như điện đàm với nhà lãnh đạo thông thường nào khác”.
Lộ bản ghi chép nội dung điện đàm là nguy cơ đáng ngại nhưng không phải đáng ngại nhất. Theo cựu Đại sứ Pháp, điều nguy hiểm hơn là đương kim lãnh đạo Washington có xu hướng lái câu chuyện đi theo hướng đem lại bất ổn cho đối tác.
Tổng thống Mỹ ngay từ những ngày đầu cầm quyền đã điện đàm với cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull. Hai ông nói về thỏa thuận di cư song phương, nội dung bị rò rỉ cho tờ The Washington Post và khiến nhà lãnh đạo Canberra gặp rắc rối trong nước vì đường lối bài người nhập cư đầy cứng rắn.
Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ thừa nhận Tổng thống Trump từng thông qua điện đàm nhờ một số nhà lãnh đạo khác giúp đỡ Bộ trưởng Tư pháp William Barr trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử.
Học giả Jonathan Eyal thuộc tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute (Anh) nhận định: “Điện đàm là không thể tránh khỏi. Giới lãnh đạo các nước sẽ phải chú ý hơn về những gì họ trao đổi với Tổng thống Trump”.
Trước một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo là quá trình chuẩn bị kỹ càng và lâu dài. Đội ngũ cố vấn phải chuẩn bị lời nói đầu, trọng điểm trò chuyện, phản hồi về vài vấn đề có thể phát sinh hoặc chính sách cần hợp tác. Ngoài ra sẽ có quan chức lắng nghe điện đàm, có người ghi biên bản để đưa đến các bộ ngành liên quan chỉ đạo thực hiện.
Cựu thủ tướng một nước châu Âu cho biết nếu bây giờ điện đàm với Tổng thống Trump, ông sẽ phải cực kỳ cẩn thận để tránh lạc đề bất chấp làm vậy chẳng thể lấy lòng ông chủ Nhà Trắng.
“Chắc chắn bạn muốn cùng Tổng thống Mỹ xây dựng mối quan hệ tốt. Nhưng xét đến tình hình hiện tại thì nên bám sát chủ đề chuẩn bị sẵn, giữ cuộc trò chuyện ở mức khô khan thì hơn”, theo vị cựu thủ tướng.
Một nhà ngoại giao có kinh nghiệm tổ chức điện đàm cũng chia sẻ: “Việc muốn thực hiện cuộc điện đàm đúng cách, đúng trọng điểm và thúc đẩy quan hệ trở nên khó khăn (khi đối thoại với Tổng thống Trump). Chúng khó đoán hơn, kế hoạch được xây dựng cẩn thận hoàn toàn có thể bị chệch hướng bởi nhận xét bất ngờ nào đó”.
Cẩm Bình (theo Reuters)