Vedan Việt Nam đề nghị điều tra bột ngọt xuất xứ Trung Quốc

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:14, 09/10/2019

Bộ Công Thương cho biết đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ về việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia.

Cơ quan điều tra, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được hồ sơ của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm bột ngọt có xuất xứ Trung Quốc và Indonesia.

Cơ quan điều tra cũng đã đề nghị công ty này bổ sung làm rõ một số nội dung về hàng hóa bị điều tra, phương pháp và cơ sở xác định biên độ phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Cơ quan điều tra cho biết, trong 45 ngày tới sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.

Nội dung thẩm định hồ sơ bao gồm: Xác định tư cách đại diện hợp pháp của ngành sản xuất trong nước của tổ chức, cá nhân yêu cầu; Xác định chứng cứ về việc bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước.

Trước đó, nhiều sự việc liên quan đến bột ngọt Trung Quốc đã được "phanh phui". Hơn 5.000 tấn bột ngọt Trung Quốc nhập khẩu với giá siêu rẻ vào thị trường Việt Nam. Một lượng nhập khẩu bất thường đến nỗi Tổng Cục hải quan đã phải ra công văn chấn chỉnh toàn ngành.

Đơn cử như ngày 23.10.2015, Công an quận Bình Tân đã tạm giữ 70 tấn bột ngọt mà theo đại diện của đơn vị nhập khẩu, công ty này đã nhập từ Trung Quốc 3.820 bao, mỗi bao bột ngọt nặng 25kg. Tháng 1.2016, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện vụ Công ty TNHH Saigon Ve Wong nhập khẩu 1.200 tấn bột ngọt Trung Quốc, sau đó chia nhỏ, dán nhãn bao bì bột ngọt A-one và bán cho người tiêu dùng.

Tại Hà Nội ngày 28.1.2016, một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội, khi đề cập đến bột ngọt giả tràn vào Việt Nam, đã cho rằng nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ sự chênh lệch lớn về giá giữa bột ngọt trong nước với các nhãn hiệu nhập lậu từ Trung Quốc.

Ngành sản xuất trong nước đã phải gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng như giảm thị phần, lượng bán hàng trong nước, sản lượng, công suất, doanh thu, lợi nhuận, đầu tư, nhân công trong giai đoạn điều tra. Việc gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Theo đó, Bộ Công Thương đã áp thuế tự vệ với sản phẩm bột ngọt nhập khẩu có mã HS 2922.42.20. Cụ thể, mức thuế tự vệ từ ngày 25.3.2018 - 24.3.2019 là 3.556.710 đồng/tấn. Giai đoạn từ 25.3.2019 - 24.3.2020 mức thuế giảm còn 3.201.039 đồng/tấn. Nếu không gia hạn thì sau ngày 25.3.2020 trở đi, mức thuế này sẽ về 0 đồng/tấn.

Theo đánh giá của cơ quan điều tra, nếu biện pháp tự vệ không được tiếp tục áp dụng, ngành sản xuất bột ngọt trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, Bộ Công Thương nhận thấy việc duy trì biện pháp là cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả của biện pháp và giúp doanh nghiệp trong nước có thời gian phục hồi sản xuất.

Tuyết Nhung

tuyetnhung