Dự án sân bay Long Thành: Ai quản lý phần đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:49, 15/10/2019
Làm rõ tổng mức đầu tư
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) có đề xuất bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối cảng với hệ thống giao thông khu vực xung quanh.
Trong đó: Tuyến số 01 (dài 3,8km) kết nối trục chính sân bay Long Thành với quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh. Tuyến số 02 (dài (3,5km), kết nối tuyến số 01 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Báo cáo nghiên cứu khả thi nêu rõ, do 2 tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác sân bay Long Thành, đồng thời tuyến số 01 sẽ là đường công vụ chính để ra vào thi công giai đoạn 1 của dự án, nên cần bố trí vốn kịp thời để triển khai sớm.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung 2tuyến này vào dự án sân bay Long Thành và giao Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư. Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỉ đồng và diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 136ha.
Cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ nêu rõ việc bổ sung 2tuyến đường có làm tăng diện tích quy hoạch tổng thể dự án đã được Quốc hội phê duyệt hay không? Việc tăng hơn 4.000 tỉ đồng có làm tăng tổng mức đầu tư và diện tích đất đã được Quốc hội phê duyệt khi bổ sung 2 tuyến đường này?
Đại biểu Tiến đề nghị, Chính phủ bổ sung tổng mức đầu tư khi phát sinh diện tích đất sử dụng và bổ sung 2 tuyến đường kết nối với sân bay Long Thànhtrước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Đồng tình với đề xuất bổ sung 02 tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Quảng Trị)cho rằng, nếu không bổ sungtuyến số 1 và số 2 sẽ không làm được đường phục vụ thi công, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Tuy nhiên, đại biểu băn khoănsau khi hoàn thành 2 tuyến đường này sẽ do cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý?
Đại biểu Phùng Văn Hùng (tỉnh Cao Bằng)nêu ý kiến, trong quá trình hoàn thiện dự án việc điều chỉnh là không thể tránh khỏi, nhưng Chính phủ cũng cần làm sáng tỏ việc điều chỉnh đó nhằm mục tiêu gì, đánh giá tác động của việc bổ sung 2 tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành như thế nào?
Cơ quan nào quản lý?
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nêu: Điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165ha lên 1.810ha; điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về diện tích đất dùng chung quốc phòng và dân dụng do Chính phủ nêu ra trong báo cáo -480ha - sẽ phân chia như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý và vận hành?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, trong Luật Đất đai 2013 không có quy định nào về đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng. Vì vậy, khi triển khai Chính phủ cần làm rõ các căn cứ cũng như phương án sử dụng như thế nào để Quốc hội cho ý kiến.
Thông tin về tình tình giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, ông Trần Văn Vĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Naicho biết, cuối năm 2017 Quốc hội thông qua Nghị quyết giao tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư giải phóng 5.000ha phục vụ dự án.
Hiện địa phương này đã hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính tại 6 xã; thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh và cấp huyện; dự kiến cuối năm 2019 sẽ khởi công hạ tầng khu tái định cư.
Tỉnh Đồng Nai cam kết cuối năm 2020 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai giai đoạn 1 của dự án. Đối với việc bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối, dự kiến có 321 hộ dân trong diện thu hồi, tỉnh cũng có phương án ưu tiên giải phóng mặt bằng, để làm đường phục vụ thi công dự án.
Nguồn vốn của ACV tương đối tốt
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đây là dự án rất cấp thiết, bởi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tiếp tục quá tải nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi sân bay Long Thành được đưa vào sử dụng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn và giảm tải đáng kể cho sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay lân cận.
Về nguồn vốn củaACV, Bộ trưởngThể khẳng địnhỦy ban Quản lý vốn Nhà nước đã báo cáo Chính phủ rằng tài chính của ACV tương đối tốt. Hiện các kế hoạch mà ACV trình Thủ tướng Chính phủ đã được các bộ ngành, Ủy banxem xét giám sát chặt chẽ về khả năng đáp ứng vốn. Hằng năm, Bộ GTVT sẽ có báo cáo cụ thể, chi tiết về tiến độ, phương án tài chính, các giai đoạn triển khai dự án để Quốc hội giám sát.
Đối với việc bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối, Bộ GTVTđã bổ sung vào giai đoạn đầu tư công trung hạn, vì 2tuyến đường này nằm ngoài phạm vi 5.000ha dự án sân bay Long Thành. Khi Quốc hội thông qua chủ trương thì Chính phủ sẽ thực hiện theo Luật Đầu tư công và tiến hành các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng. Vì công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến tái định cư nên khi được Quốc hội thông qua, dự kiến 2021 sẽ triển khai và hoàn thành trước khi khởi công dự án sân bay.
Về hình thức đầu tư, theo ông Thể thìhiệnACV là đơn vị với gần 100% vốn nhà nước, được giao đầu tư 21 sân bay, thực tế chỉ có 8 sân bay mà ACV có nguồn thu, còn các sân bay còn lại làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong 8 sân bay quốc tế có lãi phải bù cho các sân bay thực hiện nhiệm vụ an ninh, chính trị. Vì vậy, nếu được giao ACV sẽ điều hành dự án này và nguồn thu từ dự án này sẽ hỗ trợ ACV điều hành các sân bay khác tốt hơn.
Lam Thanh