Thủ tướng: Mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:39, 16/10/2019

Ngày 16.10, Chính phủ tổ chức hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa tuân thủ quy định về quản lý giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là những tồn tại về tái cơ cấu, thoái vốn. Công tác đào tạo cán bộ có năng lực còn bất cập, người tài ít vào DNNN.

“Nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan, chúng ta phải tự liên hệ thấy nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”, Thủ tướng nói. Trước hết là nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng.

“Vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi, không muốn đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm, không thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Hiện tượng tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước là còn, sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau là có, “chúng ta phải chú ý khắc phục cái này, để làm sao DNNN cùng với hệ thống chính trị đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đang lãnh đạo quyết liệt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng, trước thách thức của thời đại mới, cạnh tranh khốc liệt, toàn cầu hóa, các DNNN cần khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn. Phải đi đầu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo.

“Bổn cũ chép lại không ổn đâu”, Thủ tướng lưu ý, sự chậm chạp, lạc hậu còn có trong một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Cần đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chất lượng cao, đi tiên phong trong đầu tư nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo công nghệ, từ đó xây dựng một thế hệ sinh thái các doanh nghiệp vừa và nhỏ xung quanh mình, các nhà cung ứng phân tầng, hình thành chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh. “Các đồng chí phải là người đi đầu trong thực hiện cuộc cách mạng 4.0”.

Thủ tướng nhất trí, ủng hộ quan điểm “trao quyền tự chủ cho anh em điều hành, tin anh em nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực”, “không để cái gì cũng chạy đi xin”.

Ví DNNN như chiếc ô tô tải đi giữa đường phố đông người, Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan quản lý kể cả DNNN phải nhanh nhạy hơn, không để chậm quá lâu như thời gian qua, kể cả công tác cán bộ, đầu tư các dự án. Đừng tạo ra tầng nấc hành chính, gây khó khăn, trở ngại cho DNNN, “phải nóng ruột, hồ sơ để trên bàn ông 1-2 ngày là xong”,cứ “sống chết mặc bay” thì làm sao phát triển được, Thủ tướng nhắc. Phải khắc phục các mặt yếu kém này để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, từ năm 2016 đến tháng 6.2019, cả nước đã cổ phần hóa được 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn Nhà nước được xác định lại là 205.433 tỉ đồng, bằng 108% tổng giá trị vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá của cả giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255 tỉ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hoá và thoái vốn giai đoạn 5 năm trước đây.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổng công ty “chậm đổi mới, ngại đổi mới” theo phê duyệt của Thủ tướng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc cả về thể chế và tình hình thực hiện.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp làm rõ thêm giá trị pháp lý, cơ sở pháp lý và hiệu lực của công văn 4544/BTC-TCDN ngày 18.4.2019 của Bộ Tài chính về phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp.

Lãnh đạo Chính phủ cũng dẫn chứng về những tập đoàn, tổng công ty trải dài trên 63 tỉnh và thành phố, nếu chỉ một trong 63 tỉnh, thành phố không phê duyệt phương án sử dụng đất thì tất cả công tác cổ phần hóa ách tắc hết.

Đáng chú ý theo Phó thủ tướng, một số bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong cổ phần hoá, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, cần phải xem xét nguyên nhân tại sao cổ phần hoá chậm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

“Hiện nay, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn Nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ, vì vậy không thể chủ quan. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Phải kiểm điểm nghiêm túc, xem xét trách nhiệm ở bộ, ngành nào và cơ quan nào?”, Phó thủ tướng yêu cầu và nhắc đến việc đăng ký, giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán chưa được nghiêm túc, chưa đầy đủ, xuất hiện tại một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước, tổng công ty, nhưng việc kiểm tra và xử lý rất hạn chế, chưa có ai bị cách chức vì vi phạm này, kể cả phân loại đánh giá cán bộ cuối năm, thua lỗ và không chịu thực hiện quy định niêm yết công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán.

“Việc xử lý yếu kém 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành công thương, phải nói rõ các vướng mắc, chủ yếu là vướng ở hợp đồng EPC. Phải chăng các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về hợp đồng? Có nên kéo Chính phủ vào việc này không khi đây là quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp?”, Phó thủ tướng nêu quan điểm.

Lam Thanh

Bùi Trí Lâm