Hà Nội: Người dân tố cáo TPBank đòi nợ theo kiểu ‘cướp tài sản’, đe dọa
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:41, 17/10/2019
Thu hồi tài sản kiểu đe dọa, cưỡng chế
Theo bà Chu Thị Vân, vào chiều 7.8, khi bà đang điều khiển xe ô tô Mazda 3, BKS 30F -301.06 tại địa bàn phường Nhân Chính, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội thì bị một nhóm khoảng 20 người lạ mặt chặn và xích bánh xe lại.
“Dù không quen tôi nhưng nhóm người này bắt đầu chửi bới và yêu cầu tôi xuống xe để giao ô tôcho họkiểm soát. Trong tình thế như vậy, tôi vô cùng sợ hãi nên phải gọi lực lượng 113 hỗ trợ. Sau đó, cả 2 bên được đưa về Công an phường Nhân Chính giải quyết sự việc”, bà Vân nói.
Theo đó, tại trụ sở Công an phường Nhân Chính, bà Vân được biết nhóm người kia là người của TPBank đi thu hồi nợ. “Tôi không nợ nần ai và không vay nợ gì của TPBank. Tôi đã có đơn trình báo và ghi lời khai tại Công an phường Nhân Chính về việc chiếc xe tôi đang đi là mượn của em trai tôiChu Hữu Cường. Còn ông Cường mua xe và vay nợ thế nào tôi không biết”, bà Vân chia sẻ.
Cũng theo bà Vân, sau khi lập biên bản ngăn chặn, Công an phường Nhân Chính yêu cầu các bên ra về. “Tuy nhiên, nhữngngười này vẫn tiếp tục chửi bới, dọa dẫm, đòi thu xe của tôi. Họluôn miệng chửi bới và dọa sẽ đánh, giết tôi nếu không giao xe. Họ còndọa sẽ đến nhà hành hung các con cùng người thân của tôi. Tôi buộc phải để xe lại để thoát thân vì là phụ nữ, giữa đêm hôm bị dọa dẫm thì tôi không thể chống lại được”.
Bà Vân cho hay, ngoài xe ô tô trị giá 600.000.000 đồng, trên xe còn có số tiền mặt 200.000.000 đồng; 1 kính mắt trị giá 7.000.000 đồng; 1 dây chuyền vàng 30.000.000 đồng cùng nhiều giấy tờ.
Bà Vân cho rằng hành vi ngang nhiên cướp tài sản của nhóm côn đồ đã thể hiện sự hung hăng, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác. Hành vi nêu trên đã phạm vào tội cướp có tổ chức được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự.
Theo Công an phường Nhân Chính, hồ sơ vụ việc này đã được chuyển lên Công an quận Thanh Xuân để giải quyết. Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Thế Bảy - Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết vụ việc đang được cơ quan công an quận Thanh Xuân thụ lý điều tra, khi có kết quả sẽ thông tin đến báo chí.
Liên hệ tớiTPBank, đại diện ngân hàng này xác nhận nhóm người trên là nhân viên của TPBank, tuy nhiên phía ngân hàng không lý giải thêm về sự việc này.
Quyền hạn của ngân hàng tới đâu trong thu hồi nợ?
Thông tin với phóng viên báo Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, quyền của ngân hàng trong việc xử lý, thu hồi nợ, thu giữ tài sản đối với khách hàng thì phải dựa trên hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ giữa các bên, chẳng hạn như hợp đồng thế chấp. Ngân hàng chỉ được thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật (tùy từng thời điểm) và hợp đồng có quy định.
Cụ thể, Điều 299 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm gồm: Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật hoặc trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc luật có quy định. Các phương thức xử lý như: Bán đấu giá tài sản; bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm…
Trong trường hợp nợ xấu thì ngân hàng có thể áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, ngân hàng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm nhưng phải đáp ứng các điều kiện, quy trình Nghị quyết này quy định.
Cụ thể là khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự; Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật; Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không thuộc trường hợp đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ngân hàng đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin, thông báo cho các bên.
Như vậy, theo ông Vũ, ngân hàng có quyền thu giữ tài sản trong trường hợp xử lý nợ xấu nhưng phải đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định. Trường hợp có tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì cần phải đưa tranh chấp ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định chứ không được tùy tiện “cưỡng chế”, “tịch thu” tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức; xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Còn theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, ngân hàng có quyền tự mình thu giữ tài sản bảo đảm và tiến hành định giá, bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ mà không cần thông qua thủ tục khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, trước thời điểm thu giữ tài sản bảo đảm, ngân hàng phải gửi văn bản thông báo cho bên bảo đảm và UBND cấp phường, xã nơi tiến hành thu giữ tài sản.
Theo luật sư này, tuy các ngân hàng có quyền hạn là vậy nhưng cũng từ đó mà thời gian thu hồi nợ bị kéo dàihơn, bởi việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các ngân hàng vẫn chưa thực sự tốt. Quy trình xử lý chậm chạp, tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền bạc vì tính chất phức tạp, rườm rà đối với việc xử lý tài sản bảo đảm từng giai đoạn trong việc ngân hàng thu hồi nợ.
Ông Hùng cho rằng, việc thu hồi tài sản hay nợ khi chưa có bản án quyết định của toà án chỉ được khi khách hàng đồng ý, tự nguyện giao tài sản và có thỏa thuận. Nếu khách hàng không đồng ý thì ngân hàng phải khởi kiện ra toà án để giải quyết theo đúng trình tự, không được ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản và làm công việc thay cơ quan nhà nước.
“Việc đàm phán, thu hồi nợ thì có quyền nhưng ngân hàng không có quyền cưỡng chế buộc giao tài sản, cưỡng đoạt tài sản, đe dọa,uy hiếp vì hành vi này có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Do vậy việc ngân hàng có hành vi như trong đơn theo tôi là chưa tuân thủ pháp luật”, ông Hùng nói.
Hoài Lam