TP.HCM: Doanh nghiệp ‘than’ vì bị kiểm tra nhiều
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:13, 17/10/2019
Ngày 17.10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề tình hình đầu tư và xuất khẩu nhằm đánh giá hiện trạng xuất khẩu và đềxuất định hướng trong thời gian tới.
Thông tin tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu liên tục phát triển và là lĩnh vực kinh tế quan trọng đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM ước đạt 38,1 tỉ USD, riêng 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 30,7 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện tại, TP.HCM có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm, dự kiến năm 2019 sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỉ USD; dệt may ước đạt 4,2 tỉ USD; giày dép ước đạt 1,9 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ ước đạt 1,6 tỉ USD…
Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, hoạt động xuất khẩu của TP.HCM đã có dấu hiệu chững lại. Tốc độ tăng trưởng trong gần 10 năm trở lại đây ở mức không cao, dưới 10%/năm; cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển dịch và chịu sự tác động mạnh diễn biến kinh tế thế giới.
TS Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công TP.HCM cũng cho rằng, gần đây xuất khẩu của TP.HCM đã và đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp. Xuất khẩu của TP.HCM vẫn theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu theo lợi thế.
Tương tự, đánh giá của Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho thấy, hoạt động xuất khẩu của TP.HCM đã đến ngưỡng giới hạn, sẽ khó tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới nếu không có giải pháp chiến lược, đột phá. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bàn giải pháp trong thời gian tới, TS Đinh Công Khải khuyến nghị TP.HCM trong ngắn hạn phải duy trì những nhóm ngành hiện hữu có quy mô xuất khẩu lớn, tạo nhiều công ăn việc làm và thu ngân sách như điện tử, dệt may, da giày, nông - thủy hải sản... Thế nhưng, thành phố vẫn phải tích cực chuẩn bị các nền tảng cho việc nâng cấp công nghiệp và dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu trong dài hạn.
Ở góc độ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) góp ý, thành phố cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu hàng xuất khẩu sang lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và xuất khẩu dịch vụ. Mặt khác, triển khai các giải pháp tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài;khuyến khích doanh nghiệp các tỉnh, thành phố bạn giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu qua các cảng của thành phố.
Ngoài ra, TP.HCM cần khắc phục tình hình kiểm tra doanh nghiệp nhiều lần, bởi dù Thủ tướng đã quy định không kiểm tra quá 1 lần/năm nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn bị kiểm tra nhiều lần. Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nói rằng việc này khiến doanh nghiệp không còn tập trung và ảnh hưởng không tốt đến sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier đề xuất TP.HCM cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó phát triển hệ thống logictics đồng bộ, kết nối hạ tầng giao thông với các tỉnh, thành trong khu vực. Đồng thời, giảm các rào cản về thủ tục hải quan như kiểm tra chuyên ngành, chính sách thuế, thủ tục xuất nhập khẩu; đảm bảo yếu tố phát triển bền vững cho sản xuất dài hạn. Thành phố cũng cần tận dụng tốt hơn nữa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Phan Diệu