Ngân hàng Nhà nước: 53.000 tỉ đồng vào BOT, BT có nguy cơ phát sinh nợ xấu
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:10, 21/10/2019
Xử lý được gần 1 triệu tỉ đồng nợ xấu
Trong báo cáo gửi lên Quốc hội nhân kỳ họp 8 Quốc hội khóa14, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8.2019, toàn hệ thốngtổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 968.890 tỉ đồng nợ xấu với gần 65% là nợ xấu tự xử lý, còn lại là nhờ bán nợ.
Trong số đó, số nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629.200 tỉ đồng, tương đương gần 65%. Phần nợ xấu còn lại được xử lý thông qua hoạt động bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức, cá nhân khác.
Đến cuối tháng 8, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTDlà 1,98%. Tuy nhiên, nếu tính gộp nợ đã bán cho VAMC chưa xử lývà nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu trên hệ thống thì tỷ lệở mức 4,84%, đã giảm so với mức 10,08% cuối năm 2016.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15.8.2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến cuối tháng 8.2019, toàn hệ thống đã xử lý được 236.800 tỉ đồng. Số này không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.
Trong đó, số nợ xấu nội bảng được xử lý là 137.700 tỉ đồng; các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 47.970 tỉ đồng; và các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 51.120 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 8 năm nay, các TCTD đã sử dụng 123.890 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.
Với tình hình hoạt động của VAMC, từ năm 2013 đến nay, tổ chức này đã mua 348.500 tỉ đồng dư nợ xấu gốc nội bảng, tương ứng giá mua nợ 316.935 tỉ đồng. VAMC cũng mua 55 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 6.724 tỉ đồng theo giá thị trường là 6.821 tỉ đồng.
NHNN cũng thông tin về tình hình hoạt động của nhóm 3 ngân hàng “0 đồng” (OceanBank, CBBank và GPBank) bị mua lại bắt buộc và DongABank.
Theo NHNN thìđến nay, cơ quan này đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án cơ cấu lại OceanBank. Đối với CBBank, NHNN đang lấy ý kiến các bộngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Liên quan hoạt động của DongABank, nhà băng này cho biết do hoạt động thua lỗ nhiều năm nên đang trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Vì vậy, DongABank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư để tăng vốn. Tuy nhiên, kế hoạch này không được đại hội cổ đông thông qua.
Dù phương vậy, đại diện DongABank cho biết kết quả này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo đó, HĐQT sẽ báo cáo Ban kiểm soát đặc biệt DongABank, NHNN để xem xét tái cơ cấu ngân hàng theo phương án khác theo quy định.
53.000 tỉ đồng vào BOT có nguy cơ phát sinh nợ xấu
Cũng theo số liệu từ báo cáo nói trên của NHNN, đến ngày 30.9, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
Cụ thể, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 6,76% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 19,61%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%, chiếm 14,98%; tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 7,61%, chiếm 9,66%. Tín dụng đối với ngành dịch vụ tăng 9,27%, chiếm 61,8%.
Đáng chú ý, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,21%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, chiếm 0,41%.
Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (gồm mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế; lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 8,7%, chiếm 0,4%; tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%.
Đặc biệt, ước đến tháng 9, tín dụng các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4% tổng dư nợ cho vay.
Báo cáo nêu rõhiện có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỉ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NHTM.
Vì vậy, để triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án BOT giao thông, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành ngân hàng.
Cùng với đó là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án; tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.
Lam Thanh