Vụ gian lận thi cử tại Sơn La: Nhiều khoản tiền cần được làm rõ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 22:07, 22/10/2019
Tại phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử THPT năm 2018 tại Sơn La (diễn ra từ ngày 15.10 – 18.10), bà Lò Thị Trường (mẹ của thí sinh Lù Mạnh Hùng) khai là người nhà của bị cáo Lò Văn Huynh. Trong kỳ thi THPT năm 2018, bà Trường có đưa số báo danh của con và nhờ bị cáo Huynh xem trước điểm cho con mình với lý do biết Lò Văn Huynh làm việc tại Sở GD-ĐT tỉnh nên yên tâm nhờ cậy.
Sau khi được người nhà nhờ cậy, bị cáo Huynh có nói: “xem được gì thì giúp, nếu không giúp được thì thông cảm”. Kết quả, con trai của bà Lò Thị Trường được trúng tuyển vào trường An ninh nhưng hiện nay “cháu đã bị trường trả về vì điểm chấm lại không đạt”.
Đối chất ngay tại tòa, bị cáo Huynh xác nhận lời khai của bà Trường là đúng; nhưng bị cáo Huynh còn khai sau kỳ thi, bà Trường có đến đưa 300 triệu đồng cảm ơn nhưng ông đã trả lại. Điều này được chính bà Trường xác nhận tại tòa.
Việc đưa và nhận tiền của bị cáo Lò Văn Huynh và Lò Thị Trường là một phần trong đề nghị của HĐXX TAND tỉnh Sơn La yêu cầu làm rõ nguồn gốc các khoản tiền và hành vi thỏa thuận, đưa, nhận tiền của các bị cáo.
Cụ thể, làm rõ nguồn gốc khoản tiền và hành vi thỏa thuận, đưa, nhận tiền giữa bị cáo Lò Văn Huynh và Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ PA83, Công an tỉnh Sơn La) đối với số tiền 2.100.000.000 đồng mà bị cáo Huynh đã khai nhận trong quá trình điều tra và tại phiên tòa (1.000.000.000 đồng là số tiền đã nhận, 1.100.000.000 đồng là số tiền thỏa thuận nhận nhưng chưa giao tiền).
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm - Ảnh: T.A
Làm rõ nguồn gốc khoản tiền và hành vi thỏa thuận, đưa, nhận tiền giữa bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La) và Trần Văn Điện đối với số tiền 1.040.000.000 đồng mà bị cáo Nga đã khai nhận trong quá trình điều tra và tại phiên tòa.
Đối với trường hợp này, tại phiên tòa xét xử, bị cáo Nga khai trong số những trường hợp nhờ bị cáo nâng điểm cho thí sinhcó ông Trần Văn Điện (cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên TP.Sơn La, tỉnh Sơn La). Ông Điện đã đưa cho bị cáo Nga danh sách ghi thông tin của 4 thí sinh. Theo lời khai của bị cáo Nga, bị cáo đã nhận của ông Điện 1.040.000.000 đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho 4 thí sinh; tuy nhiên, bị cáo khẳng định không đòi hỏi, ép buộc. Hiện bị cáo đã nộp lại cho CQĐT 1 tỉ đồng.
Với trường hợp của bị cáo Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), HĐXX đề nghị làm rõ nguồn gốc khoản tiền và hành vi thỏa thuận, đưa, nhận tiền (bị cáo đã khai tại CQĐT và tại Tòa) giữa bị cáo Thủy và những người làm chứng sau: Nguyễn Thị Xuyên (đối với số tiền 200.000.000 đồng); Nguyễn Thị Kim (đối với số tiền 150.000.000 đồng); Nguyễn Thị Mai Hà (đối với số tiền 150.000.000 đồng). Với những khoản tiền này, bị cáo Thủy đã nhận và đã trả lại.
Ngoài ra, HĐXX cũng yêu cầu làm rõ nguồn gốc khoản tiền và hành vi thỏa thuận lợi ích vật chất (tiền) giữa bị cáo Thủy và Bùi Thị Xuân đối với số tiền 270.000.000 đồng mà bị cáo Thủy đã khai nhận trong quá trình điều tra và tại phiên tòa (nhưng chưa giao nhận tiền).
HĐXX cũng yêu cầu làm rõ nguồn gốc khoản tiền và hành vi thỏa thuận, đưa, nhận tiền giữa bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Sơn La) và Hoàng Thị Thành đối với số tiền 440.000.000 đồng mà bị cáo Sọn đã khai nhận trong quá trình điều tra và tại phiên tòa (đã giao nhận).
Nhã Thanh