Chuyển hồ sơ tập đoàn Asanzo trốn thuế sang công an điều tra
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:25, 23/10/2019
Theo Cục Thuế TP.HCM, việc đơn vị này chuyển hồ sơ Tập đoàn Asanzo trốn thuế sang cơ quan điều tra là dựa vào các quy định của Bộ Tài chính, Luật xử lý vi phạm hành chính và các hồ sơ liên quan.
Cụ thể, kết luận thanh tra thuế số 650 ngày 15.10 của Cục Thuế TP.HCM và các hồ sơ liên quan cho thấy, Tập đoàn Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên đứng tên để các công ty này nhập hàng về bán lại cho Tập đoàn Asanzo.
Tập đoàn Asanzo mua linh kiện điện lạnh từ các Công ty Trần Thoàn, Công ty Việt Tài, Công ty An Thiên về và thuê gia công lại một phần rồi lắp ráp thành phẩm, dán tem Asanzo để bán cho các doanh nghiệp cũng thuộc tập đoàn.
Đáng chú ý, Tập đoàn Asanzo mua linh kiện nhưng lại ghi nội dung hóa đơn là "mặt hàng thành phẩm" để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt; sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn.
Do đó, Cục Thuế TP.HCM đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Tập đoàn Asanzo vì các hành vi vi phạm về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, về giao dịch liên kết, về bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, mua linh kiện rồi thuê gia công lắp ráp nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt… Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Tập đoàn Asanzo là 68 tỉ đồng.Trong đó, Asanzo bị xử phạt 26,3 tỉ đồng; truy thu thuế 40,5 tỉ đồng và số tiền chậm nộp thuế 1,6 tỉ.
Tuy nhiên, Cục Thuế TP.HCM cho biết do vi phạm của Asanzo có dấu hiệu hình sự nên sau khi chuyển hồ sơ cho công an khởi tố vụ án, cơ quan thuế sẽ thu hồi quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 26,3 tỉ đồng, nhằm đảm bảo một hành vi vi phạm không bị vừa xử phạt hành chính, vừa xử lý hình sự.
Trước đó, hàng loạt phương tiện truyền thông cáo buộc sản phẩm của Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam, với các minh chứng về việc Asanzo nhập "nguyên con" đồ gia dụng từ Trung Quốc thông qua nhiều công ty nhập khẩu, dán nhãn Asanzo thay vì lắp ráp linh kiện và ghi xuất xứ Việt Nam.
Trước nghi vấn "Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt", CEO Asanzo Phạm Văn Tam lên tiếng cho biết sản phẩm Asanzo không phải "made in Việt Nam" mà xuất xứ tại Việt Nam.
Phan Diệu