Điều bố mẹ cần lưu ý khi trẻ dùng mạng xã hội
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:18, 25/10/2019
Không để trẻ tiết lộ thông tin cá nhân
Mạng xã hội hiện nay đang được thịnh hành và rất dễ để các đối tượng có ý đồ xấu xâm nhập và lấy thông tin. Vì thế, bạn không nên để trẻ tiết lộ các thông tin cá nhân, không nên để trẻ gặp gỡ những người lạ trên mạng xã hội, không dùng chung mật khẩu để tránh gặp phải những tin tặc hay những người có ý định xấu.
Cha mẹ cần nhắc nhở con cẩn trọngvới những người mới quen trên mạng. Nếu chưa từng gặp mặt thì con không được cung cấp các thông tin riêng tư như số nhà, trường học, lớp học, số điện thoại. Nếu con hẹn gặp những người bạn quen từ trên mạng thì cần có cha mẹ hay người lớn đáng tin cậy đi cùng.
Ngay cả với bạn học, con cũng không nên tiết lộ mật khẩu của các tài khoản đăng ký mạng xã hội, trang mua sắm… rất có thể bạn bè sẽ sử dụng tài khoản của con làm những việc không hay, dù chỉ là trêu đùa. Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, có những mối quan hệ thân thiết, cha mẹ hãy chia sẻ thân tình với con về các tình huống rủi ro về thông tin trên mạng, dặn dò con không gửi ảnh nhạy cảm của mình cho bạn hay bất kỳai vì tin rằng “Tớ sẽ xoá ngay thôi!”. Những tấm ảnh và giây phút bồng bột ấy có thể gây nhiều phiền toái về sau.
Đặt ra quy định về thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ
Vai trò của cha mẹ là rất quan trọng trong việc này. Cha mẹ cần giúp trẻ xây dựng kế hoạch để quản lý thời gian có hiệu quả vì trẻ em thường không quản lý được thời gian của mình.
Giúp trẻ dự phòng những tình huống sẽ xảy ra
Trước khi đồng ý để trẻ đăng tải thông tin lên mạng xã hội, hãy cho trẻ tự trả lời chính mình một câu hỏi đơn giản: “Nếu người khác nhìn thấy điều này, con sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?”. Đơn giản hơn, bạn có thể hỏi: “Con có muốn thầy cô/bạn bè/ông bà nhìn thấy và đọc được thông tin này?”. Đó là cách để trẻ thật sự cân nhắc khi muốn chia sẻ một vấn đề nào đó với cộng đồng.
Cha mẹ hãy nhắc nhở con cư xử tử tế với bạn bè trên mạng như khi ở ngoài đời thật. Có thể con không ác ý khi bình luận vui về ngoại hình hay tính cách của người khác nhưng những lời đó có thể khiến họ tổn thương sâu sắc.
Hơn nữa, khi nói chuyện trực tiếp thì có thể nghe thanh âm, ngữ điệu để biết tâm ý của một người, nhưng những câu chữ trên mạng lại không phản ánh được điều đó. Đôi khi con có thể mất đi một tình bạn đẹp chỉ vì vài dòng bình luận vô tâm.
Khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động ngoài trời
Việc tham gia các hoạt động ngoài trời giúp không những nâng cao về thể chất, tinh thần mà còn giúp trẻ nhận thức được việc tự chăm sóc bản thân. Từ đó giúp trẻ cân bằng cuộc sống thật và cuộc sống ảo trên các trang mạng xã hội.
Nếu thực hiện được điều này, trẻ sẽ nhận thức được rõ ràng về chính bản thân mình, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh với những người xung quanh. Đồng thời, cũng giúp trẻ có thể rèn luyện được tính tự lập, tâm lý vững vàng, trải nghiệm thú vị và những va chạm thực tế.
Quan tâm đến những gì trẻ đang truy cập
Không chỉ quan tâm đến thời gian trẻ truy cập mạng xã hội mà cũng cần quan tâm đến những nội dung trẻ đang truy cập. Việc này sẽ giúp cho trẻ tránh được những nguy cơ có thể gặp trên mạng xã hội.
Hãy dành thời gian chơi với trẻ em. Hãy quan tâm đến việc con bạn đang làm gì? như thế nào để việc tiếp cận mạng xã hội của con bạn mang lại được hiệu quả tốt nhất. Nếu làm tốt việc này, bạn là những cha mẹ thành công trong việc nuôi dạy con cái góp phần vào việc xây dựng kỹ năng sống toàn diện cho trẻ.
Ký “hợp đồng” với trẻ
Điều này sẽ bao gồm mọi thứ, từ giới hạn thời gian, mật khẩu, cho đến thời điểm được dùng điện thoại hay máy tính. Quan trọng nhất, bạn và trẻ cần thống nhất về cách ứng xử trên mạng xã hội khi trẻ đăng tải bất kỳ thông tin nào.
Đừng quên biện pháp xử lý khi trẻ vi phạm. Điều này thật sự cần thiết để trẻ cư xử có chừng mực và biết giới hạn của những điều mình cần thực hiện, khi muốn tham gia vào mạng xã hội. Tất cả cần phải được lập thành văn bản để trẻ có thể dễ nhớ, dễ đọc lại và đối chiếu khi cần thiết.
Việc trẻ dùng mạng xã hội không có gì là xấu, nếu bạn đã hướng dẫn kỹ lưỡng và luôn theo dõi sát để trẻ trở thành một người chơi tích cực.
Nghi Khê (t/h)