"Bẫy tử thần" trong vườn thanh long
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:53, 25/10/2019
“Tử thần giấu mặt” trong vườn thanh long
Từ đầu tháng 10 đến nay, hàng ngàn nhà vườn chuyên trồng thanh long ở 2 H.Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) lại rục rịch kéo dây điện vào vườn, giăng mắc bóng đèn để ban đêm bật sáng, kích thích cây ra hoa, ra trái nghịch vụ.
Ông Nguyễn Văn L., nhà vườn trồng hơn 5.000 m2 thanh long ở H.Chợ Gạo, cho biết, muốn xông đèn kích thích thanh long ra hoa trái nghịch vụ, nhà vườn phải mua 750 mét dây điện cho 1.000 m2 đất (khoảng 130 - 140 trụ trồng thanh long) và 150 chiếc bóng đèn, tổng vốn đầu tư khoảng 8 triệu đồng.
“Mỗi đợt xông đèn thanh long từ 15 - 17 đêm, bật đèn từ 18 giờ đến sáng hôm sau. Sau khi cây đâm bông thì nhà vườn gỡ bóng đèn, cuốn dây không xông nữa, tập trung chăm sóc bông và trái. Trong thời gian xông đèn, dây điện và bóng đèn để suốt ngoài vườn, ban đêm mới bật đèn lên, ban ngày tắt cầu dao để tránh nguy hiểm khi phun nước tưới cho cây”, ông L. nói.
Theo ông L., lâu nay nhà vườn nào cũng tiết kiệm chi phí bằng cách kéo dây điện vô tội vạ khắp vườn thanh long trong thời gian xông đèn, không xây dựng cột điện riêng vì quá tốn kém, bởi trung bình phải đầu tư hơn 100.000 đồng/cột xi măng để kéo dây điện. Nhiều nơi nhà vườn còn bỏ dây điện dưới nền đất ẩm ướt rồi dùng cây tre, cây tạp chống đỡ tạm bợ cho bóng đèn, bất chấp dây điện sử dụng lâu ngày nhiều nơi bị bong tróc lớp vỏ nhựa cách điện, rất đáng sợ.
“Nhưng nguy hiểm nhất chính là cách nhà vườn câu móc bóng đèn vào 2 dây dẫn điện chính. Lâu nay không biết ai chỉ dẫn mà hầu như các nhà vườn đều áp dụng phương pháp rất kinh hãi: dùng 2 chiếc ghim sắt 1 đầu nhọn, 1 đầu có khuyên tròn để gắn bóng đèn, 2 dây nóng và lạnh của bóng đèn được quấn vào đầu có khuyên tròn, còn đầu nhọn thì ghim trực tiếp vào 2 dây dẫn điện và hoàn toàn không có các biện pháp cách điện, bảo vệ an toàn”, ông L. cho biết.
Hầu hết nhà vườn đều dùng 2 ghim sắt để mắc bóng đèn trực tiếp vào dây dẫn điện, không có nắp chụp bảo vệ, tiềm ẩn tai nạn chết người - Ảnh: Thanh Anh
Theo ông L., với cách mắc bóng điện kỳ lạ này thì mỗi khi chấm dứt đợt xông đèn nhà vườn chỉ cần rút 2 chiếc ghim sắt ra rồi cuốn dây điện, tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với ngồi gỡ từng mối nối. Nhưng chính cách mắc bóng điện kinh dị này đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn điện giật chết người trong thời gian qua.
Điển hình nhất là vụ bà Nguyễn Thị S. ở xã Quơn Long (H.Chợ Gạo, Tiền Giang). Hôm đó - 17.1.2019, bà S. ra vườn hái trái thanh long chín sớm để mang ra chợ bán trong lúc vườn cây đang được xông đèn. Đêm tối, tuổi cao, loay hoay sao đó mà bà S. vô tình chạm tay vào 2 chiếc ghim sắt và bị điện giật chết tại chỗ.
Trường hợp anh Nguyễn Hoàng Ph. (xã Vĩnh Công, H.Châu Thành, Long An) còn bi đát hơn. Buổi chiều hôm đó anh Ph. vào vườn thanh long để câu móc bóng điện xông đèn thanh long. Anh Ph. không ngờ trên 2 đường dây chính có người đã mở điện sẵn, nên khi anh Ph. vừa ghim bóng điện vào đường dây thì bị điện giật chết tại chỗ.
Theo ông L., hiện nay tình trạng giăng mắc, sử dụng điện vô tội vạ ở các vườn thanh long khiến vườn cây lúc nào cũng nguy hiểm chứ không riêng thời gian xông đèn. Nguyên nhân chính là do vườn thanh long quá rộng nên không thể nào làm hàng rào bảo vệ vì rất tốn kém, trong khi tình trạng trộm cắp thanh long lại xuất hiện mỗi khi trái cây có giá, nên nhiều người đã chọn cách mắc điện quanh vườn để vừa chiếu sáng ban đêm vừa bảo vệ vườn.
“Khi xông đèn, nhà vườn nào cũng cảnh báo có điện nguy hiểm, nhưng nhiều người đi soi cá, soi ếch ban đêm bất chấp. Còn bây giờ vô các vườn thanh long lúc nào cũng nơm nớp lo bị điện giật, bởi không biết khi nào dây có điện, khi nào không. Cho nên người ta nói trong vườn thanh long lúc nào cũng có “tử thần giấu mặt” là không ngoa”, ông L. nói.
Bất chấp khuyến cáo của cơ quan hữu trách
Hiện nay trên địa bàn 2 tỉnh Long An, Tiền Giang đang có hơn 19.800 héc-ta đất trồng cây thanh long, trong đó tỉnh Long An gần 12.000 héc-ta. Hàng năm từ tháng 10 trở đi là nhà vườn đua nhau kéo điện, xông đèn cho cây thanh long ra hoa, ra trái nghịch vụ.
Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, tình trạng sử dụng điện thiếu an toàn của nhà vườn trồng thanh long đang ở mức “báo động đỏ”, vì hầu như năm nào cũng có những trường hợp bị điện giật chết trong vườn thanh long.
Tại Long An, thống kê của UBND tỉnh cho thấy trong năm 2018 xảy ra 6 vụ tai nạn điện trên lưới hạ áp do người dân quản lý làm chết 8 người, bị thương 4 người, trong đó có nhiều trường hợp xảy ra tai nạn do xông đèn thanh long.
Hàng trăm bóng đèn được móc vào dây điện bằng ghim sắt giăng mắc khắp nơi, không có cột điện riêng- Ảnh: Thanh Anh
Vì vậy mà ngày 17.5, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đã ký ban hành văn bản yêu cầu Sở Công Thương, Điện lực Long An, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đường dây mất an toàn sau điện kế, hướng dẫn thiết kế lắp đặt đường dây, sử dụng vật tư, thiết bị điện an toàn theo đúng tiêu chuẩn, đặc biệt là các đường dây điện trong vùng chuyên trồng cây thanh long nhằm hạn chế tối đa tai nạn điện.
“Bản thân tôi khi đi tham quan hoặc kiểm tra đột xuất các vườn thanh long đều rất sợ hãi trước tình trạng nhà vườn giăng mắcđiện thiếu an toàn. Năm nào Sở Công Thương cũng tiến hành nhiều đợt kiểm tra, ban hành nhiều văn bản khuyến cáo người trồng thanh long sử dụng điện an toàn, yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra với Sở, nhưng cuối cùng… người dân không ai chấp hành, địa phương cũng không thực hiện, nên vùng trồng thanh long vẫn mất an toàn về điện”, ông Đức ngao ngán nói.
Ông Đức cho biết hiện nay các cơ quan hữu trách chưa đưa ra được 1 quy trình sử dụng điện an toàn khi xông đèn thanh long để bắt buộc người dân áp dụng, nên không thể xử phạt. Chỉ khi nào ngành điện xây dựng được quy trình sử dụng điện an toàn cho vùng chuyên canh thanh long, cụ thể là quy trình sử dụng điện xông đèn an toàn cho thanh long, thì mới có thể áp dụng các biện pháp chế tài để xử phạt đối với người vi phạm.
Trong khi đó 1 cán bộ của Điện lực Tiền Giang cho biết: hàng năm ngành điện đều tổ chức nhiều lớp tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn sử dụng điện an toàn, thậm chí phát miễn phí những nắp chụp an toàn tại các mối nối điện cho hàng ngàn nhà vườn trồng thanh long trong tỉnh, nhưng hầu như không hiệu quả.
Nguyên nhân chủ yếu là nhà vườn sợ tốn kém khi đầu tư trụ, hệ thống dây điện, phương pháp đấu nối bóng đèn đảm bảo an toàn, chỉ thích canh tác theo thói quen từ trước đến nay. Trên thực tế, ngành điện không thể xử phạt khách hàng sử dụng điện không an toàn trên đường dây hạ áp phía sau đồng hồ, mà chức trách đó thuộc thẩm quyền của Sở Công Thương.
Xung quanh vườn thanh long dây điện bong tróc chằng chịt như mạng nhện - Ảnh: Thanh Anh
“Về phía ngành điện, lâu nay chúng tôi rất muốn giúp các nhà vườn trồng thanh long thiết kế 1 hệ thống điện an toàn, ít tốn kém để phục vụ việc xông đèn cho cây, nhưng không am hiểu về quy trình, quy cách canh tác loại cây này, nên chưa làm được.
Theo tôi, để bảo đảm an toàn điện cho người dân trong vùng chuyên canh thanh long thì điện lực, ngành nông nghiệp và nông dân phải ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc đưa ra 1 quy trình an toàn điện khi xông đèn thanh long để mọi người áp dụng”, vị cán bộ điện lực đề xuất.
Tuy nhiên, ông L. và nhiều người trồng thanh long ở Long An, Tiền Giang lại cho rằng, trái thanh long hiện nay giá cả bấp bênh, nếu đầu tư quá nhiều tiền vào chuyện xây dựng hệ thống điện an toàn để xông đèn (15 - 17 đêm/vụ) thì rất khó thuyết phục nhà vườn thực hiện.
Thanh Anh