Dự kiến hoàn thành cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào năm 2025
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:46, 26/10/2019
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có quy mô chiều dài 53,5km, mặt cắt ngang 4 làn xe tiêu chuẩn đoạn tuyến từ đường Vành đai 3 (TP.HCM) đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Tổng mức đầu tư của dự án là 10.688 tỉ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của nhà nước (gồm vốn đối ứng từ ngân sách và vốn vay ODA).
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng, xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là dự án đầu tư trọng điểm, có quy mô vốn đầu tư lớn, hiện thực hóa đầu tư liên kết vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh, TP.HCM và khu vực phía nam. Tỉnh Tây Ninh cam kết làm tốt công việc của mình, triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng nói rằnghiện tại Quốc lộ 22 là tuyến quốc lộ duy nhất nối TP.HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Đây cũng là cửa ngõ quốc tế thông thương tới các nước trong khu vực ASEAN nhưng đã quá tải và thường xuyên ùn tắc.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài hình thành sẽ giảm tải cho tuyến Quốc lộ 22 và góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, tỉnh Tây Ninh, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và khu vực Đông Nam Bộ.
Không chỉ giải quyết bài toángiao thôngcho tỉnh Tây Ninh và TP.HCM, dự án này còn tháo nút thắt giao thông, thúc đẩyphát triển kinh tế, xã hội toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của đất nước.
Do vậy, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh đã thống nhất kiến nghị, đề xuất Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai, quản lý vận hành khai thác dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai tại công văn số 1351/TTg-CN ngày 14.10.2019.
Trước mắt, thành phố sẽ nghiên cứu đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe (đường cao tốc hạn chế) trên toàn tuyến. Dự kiến dự án sẽ trình phê duyệt chủ trương đầu tư và chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2020, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng trong giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, TP.HCM và tỉnh Tây Ninh cũng thống nhất sắp tới sẽ thành lập Ban chỉ đạo nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật; điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai dự án đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh… sớm đưa dự án vào khai thác.
Trong quá trình thực hiện, hai địa phương sẽ chủ động trong phối hợp, bố trí nguồn lực xây dựng kế hoạch thực hiện dự án và kế hoạch khai thác quỹ đất liên quan do hiệu quả của dự án mang lại. Đơn cử như mở rộng phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng tại các nút giao giữa đường cao tốc với đường Vành đai 3, Vành đai 4 và các điểm phù hợp khác để phát triển hệ thống giao thông tĩnh, trạm dịch vụ hậu cần, trung tâm thương mại, dịch vụ… đồng thời nghiên cứu, quy hoạch các khu đô thị gần với khu vực các nút giao với Vành đai 3, Vành đai 4 để khai thác các quỹ đất, tạo nguồn thu cho ngân sách).
Phan Diệu