Biểu tình bùng nổ khắp nơi trên thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 08:32, 27/10/2019
Hồng Kông chìm trong bất ổn suốt 5 tháng qua. Lý do biểu tình từ phản đối dự luật dẫn độ phát triển thành chống đối chính quyền và đòi hỏi dân chủ đầy đủ.
Đặc khu trưởng đã chính thức rút bỏ dự luật và vài tuần gần đây ít nổ ra biểu tình lớn, nhưng bạo lực thì lại leo thang. Một số người biểu tìnhquá khích phóng hỏa trạm tàu điện ngầm, đập phá cơ sở kinh doanh với mục tiêu quen thuộc là ngân hàng Trung Quốc hay cửa tiệm có liên hệ với đại lục. Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay cùng đạn cao su. Hơn 2.000 trường hợp bị bắt, trong đó không ít người chưa đủ 18 tuổi.
Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông Tạ Phong cáo buộc biểu tình là chiến dịch lật đổ chính quyền đặc khu. Ông còn kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng nhằm góp phần ngăn chặn “virus bạo lực” lan tràn.
Tây Ban Nha
Catalan cũng rung chuyển bởi biểu tình kể từ ngày 14.10 do chính quyền Tây Ban Nha tuyên án tù dài hạn 9 cựu lãnh đạo của vùng tự trị.
Nhiều người xuống đường ở Catalan xem phong trào biểu tình Hồng Kông như nguồn cảm hứng. Họ áp dụng các chiến thuật tương tự.
Độc lập cho Catalan là vấn đề gây tranh cãi trong chính trường Tây Ban Nha những năm gần đây, và dự kiến sẽ chi phối cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Catalan nằm ở miền đông bắc bán đảo Iberia, là nơi có nền văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử tách riêng với Tây Ban Nha. Được nhắc tới trong sử sách lần đầu tiên vào thế kỷ XII, vùng này đã tồn tại khoảng hơn 250 năm trước khi chính thức gia nhập Tây Ban Nha vào ngày 11.9.1714.
Catalan lâu nay luôn muốn ly khai khỏi Tây Ban Nha nhưng những lần bỏ phiếu đòi quyền độc lập chưa bao giờ được chính quyền xứsở bò tót công nhận. Bên cạnh đó các nhà lãnh đạo châu Âu cũng phản đối phong trào ly khai tại Catalan, lo ngại rằng việc họ giành độc lập có thể thổi bùng các phong trào ly khai khác.
Chile
Chile đang chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11. Bỗng nhiên biến động ập đến, hoạt động phản đối giá vé tàu điện ngầm tăng thêm 4 cent USD bùng nổ thành biểu tình, bày tỏ bất mãn với tình trạng bất bình đẳng kinh tế, lương hưu, y tế lẫn giáo dục.
Dù Tổng thống Sebastian Pinera quyết định không tăng vé tàu điện ngầm nữa, tuy nhiên nỗ lực đàn áp khiến biểu tình càng trở nên dữ dội. Bạo loạn đã cướp đi sinh mạng 18 người, hàng nghìn trường hợp bị bắt giữ.
Lebanon
Phong trào biểu tình lớn nhất ở Lebanon trong 15 năm qua nổ ra từ ngày 17.10 bởi đề xuất thu phí người dùng các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp (nhằm bù đắp ngân sách).
Lực lượng biểu tình cáo buộc giới chính trị quản lý yếu kém và lãng phí ngân sách nhà nước. Họ yêu cầu giải tán chính quyền bất chấp đề xuất thu phí đã bị rút.
Iraq
Còn người dân Iraq xuống đường đòi hỏi chính quyền cải thiện mức sống, giải quyết tình trạng thất nghiệp cùng tham nhũng.
Thống kê chính thức cho biết có đến 157 người thiệt mạng. Giới chức nước này thừa nhận sử dụng vũ lực dập tắt biểu tình một cách quá mức, ngoài ra còn có sự xuất hiện của những tay súng không rõ danh tính.
Bolivia
Biểu tình với nhiều vụ đụng độ, bạo lực, phóng hỏa diễn ra sau cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi ngày 20.10.
Ông Evo Morales tái đắc cử, nhưng phe đối lập cáo buộc chính quyền lừa đảo. Số phiếu bầu sơ bộ bất ngờ ngừng cập nhật trong 24 tiếng.
Đương kim Tổng thống tố cáo âm mưu đảo chính do các nhóm đối lập triển khai, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó hành động cực đoan phá hoại.
Haiti
Biểu tình tại Haiti xuất phát bởi tình trạng thiếu nhiên liệu. Hiện tại họ tổ chức chiến dịch phản đối Tổng thống Jovenel Moise – nhân vật lên cầm quyền từ cuộc biểu tình năm 2017 bị cho có gian lận.
Biểu tình nay đã thu hút đến tầng lớp trí thức. Bạo lực bùng nổ khiến trường học phải đóng cửa.
Ecuador
Quốc gia Nam Mỹ chìm trong biểu tình suốt 12 ngày, vì Tổng thống Lenin Moreno chấm dứt chính sách trợ giá dầu, vốn kéo dài suốt bốn thập kỷ qua. Cảnh sát bắt gần 500 người trong các cuộc đụng độ. Tổng thống Moreno vừa đạt thỏa thuận với thủ lĩnh biểu tình hôm 13.10.
Indonesia
Biểu tình nổ ra cuối tháng 8, bởi thông tin một nhóm sinh viên Papua tại thành phố Surabaya bị miệt thị và tấn công.
Người biểu tình phóng hỏa một toà nhà lập pháp, đốt ôtô trên đường phố Manokwari (thủ phủ tỉnh Tây Papua). Chính quyền Indonesia phải triển khai 6.000 nhân viên an ninh cùng với cắt kết nối mạng.
Nhưng đến cuối tháng 9, bạo lực vẫn xảy ra ở hai thành phố Wamena và Jayapura. 37 người thiệt mạng, 250 ô tô lẫn xe máy bị phá hoại.
Papua từng là thuộc địa của Hà Lan, có những nét đặc trưng về sắc tộc lẫn văn hóa khá khác biệt với phần còn lại của Indonesia. Khu vực này được sáp nhập vào Indonesia sau một cuộc bỏ phiếu được hỗ trợ bởi Liên Hợp Quốc.
Cẩm Bình (theo SCMP)