Những người mạo hiểm sang Anh vì giấc mơ kiếm 90 triệu mỗi tháng
Quốc tế - Ngày đăng : 07:26, 28/10/2019
Người nhập cư bất hợp phápphải trả hàng chục ngàn bảng Anh cho "vé VIP" tới Anh khi họ bị dụ dỗ bởi triển vọng kiếm được số tiền khổng lồ nhờ làm việc trong các trang trại cần sa và quầy làm móng, theo một chuyên gia chống buôn người tại Anh
Những kẻ buôn người tàn nhẫn đã gõ cửa những gia đình nghèo đang mưu cầu một cuộc sống tốt hơn để dụ dỗ. Người muốn tới Anh phải trả tới 30.000 bảng cho các tuyến đường trực tiếp đến châu Âu với lý do an toàn hơn, Diep Vương, chủ tịch của tổ chức từ thiện Pacific Links Foundation, nói với The Telegraph.
Bà Vuong cho biết nhiều người thực hiện chuyến đi đầy nguy hiểm từ các quốc gia Đông Nam Á đến Vương quốc Anh với hứa hẹn được làm việc trong trang trại cần sa và các quán làm móng với mức lương khoảng 3.000 bảng mỗi tháng (gần 90 triệu VND).
Nhưng đi chuyến đi xa nhà hàng ngàn dặm là hành trình đầy nguy hiểm. Những người ra đi hy vọngcó thể gửi tiền về cho gia đình nhưng kèm theo đó là đầy rẫy cạm bẫy, bà Vuong cảnh cáo.
"Vé VIP có nghĩa là bạn sẽ đi bằng máy bay đến một quốc gia Schengen như Pháp trong chặng đầu tiên của hành trình”. Nhưng hành trình thứ hai để thâm nhập vào Anh thực sự nguy hiểm.
"Những người trả nhiều tiền hơn nghĩ rằng họ sẽ có hành trình an toàn hơn, nhưng nhìn chung mọi người đều gặp phải một số rủi ro mà dường như họ không nhận ra điều này. Họ nghĩ rằng mình ổn vì họ không ở trên một con tàu đang chìm hoặc bị săn lùng, nhưng thực họ phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm trên đường đi''.
Về cô gái 26 tuổi, người được cho đã gửi tin nhắn tới cha mẹ trước khi chết vì ngạt thở, có thông tin là gia đình đã thế chấp nhà của họ để trả xoay cho cô 30.000 bảng mua một suất VIP đi Anh
"Trong những tin nhắn của cô gái, cô gửi lời xin lỗi cha mẹ mình", bà Vuong nói. "Nó thể hiện sự xấu hổ - một người nói lời xin lỗi trong khi cận kề chết. Cô gái cảm thấy mình đã lãng phí tiền của cha mẹ và trong những giây phút hấp hối, cô ấy vẫn nghĩ về điều đó".
Bà Vuong cho biết gia đình của những người đến được Anh như vậy thường "phô trương" số tiền gửi về nhà và điều này tạo ấn tượng sai lầm cho người khác rằng đáng để mạo hiểm sinh mạng cho chuyến đi như vậy. “Trong khi đó, tất cả những khó khăn kinh dị thường không bao giờ được kể lại ở quê nhà", bà Vuong nói.
"Chúng ta đang nói về những người có trình độ cũng bị lừa bởi những tin tức giả mạo. Vậy bạn có thể tưởng tượng những người ít được giáo dục sẽ ảnh hưởng bởi những lời dụ dỗ như thế nào không?", bà Vuong kết luận
Nhân viên cứu hộ khi mở container đã phát hiện ra thi thể của 8 phụ nữ và 31 người đàn ông trong đó. Các thi thể được mô tả là chồng chất lên nhau với những dấu tay đẫm máu trên cánh cửa như thể họ đã trèo đạp lên nhau trong nỗ lực tuyệt vọng tìm cách trốn thoát.
Cho đến giờ, phía cảnh sát Anh dè dặt trong việc tuyên bố về quốc tịch các nạn nhân sau khi thông báo ban đầu dường như đã sai khi cho rằng tất cả các nạn nhân là người Trung Quốc.
Chánh thanh tra Martin Pasmore cho biết cảnh sát sẽ chia sẻ dấu vân tay với các nhà chức trách Việt Nam trong nỗ lực xác định danh tính các thi thể. Nhận xét về các báo cáo rằng xe container có thể là một phần của đoàn xe 3 chiếc chở khoảng 100 người, Pasmore cho biết các nhà chức trách Anh vẫn đang điều tra.
Cựu cảnh sát London Bernie Gravett, người tư vấn cho EU về vấn đề buôn người, cho biết việc chọn một con đường đưa người lậu giống như tìm mua một sản phẩm trên mạng thương mại trực tuyến, nghĩa là yếu tố đảm bảo an toàn rất hú họa.
Ông cho biết hầu hết người di cư Trung Quốc sẽ chọn "tuyến đường Balkan" – bằng cách đi qua Afghanistan, Kazakhstan và Turkmenistan trước khi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng ông cho biết người di cư Việt Nam thường đi theo "tuyến phía bắc", tức là bay tới Moscow sau đó đi theo tuyến đường bộ qua Bắc Âu. Điều này được coi là ít rủi ro hơn vì các xe tải đã đăng ký ở châu Âu thường ít khi bị chặn lại. Nhưng rủi ro ít hơn không có nghĩa là an toàn tuyệt đối.
Nhu cầu nhân lực trồng cần sa bất hợp pháp tăng cao khiến các băng đảng tại Anh không ngần ngại việc kéo lao động từ các nước châu Á liều lĩnh nhập cư vào Anh.
Việc cảnh sát Anh triệt phá những "nhà vườn" trồng cần sa bất hợp pháp đang trở thành chuyện thường gặp trên mặt báo. Giá trị cần sa tại mỗi nhà vườn này nếu được đưa ra thị trường sẽ vào khoảng 3-15 triệu bảng Anh, tùy quy mô.
Theo nghiên cứu từ Viện Kinh tế Anh (IEA) công bố vào tháng 7.2018 ước tính thị trường cần sa phi pháp của Anh có tổng giá trị lên tới2,5 tỉUSD. Món hời béo bở từ hoạt động này khiến các băng đảng trồng cần sa ráo riết đưa người trái phép từ các quốc gia châu Á vào Anh để "chăm vườn".