Tổng cục Hải quan: Asanzo có 4 dấu hiệu vi phạm
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:20, 28/10/2019
Tổng cục trưởng Hải quan ngày 28.10 đã chủ trì họp báo cùng các bộngành liên quan để thông tin về dấu hiệu vi phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo. Theo đó, về cáo buộc Asanzo "lừa dối người tiêu dùng", Tổng cục Hải quan cho biết quy trình lắp ráp của doanh nghiệp này không như quảng cáo. Việc lắp ráp tivi, máy điều hòa nhiệt độ, máy xay sinh tố... đều diễn ra trên các bàn thủ công, không có dây chuyền hiện đại.
Các sản phẩm nêu trên, Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công để tạo thành hàng hóa hoàn chỉnh, bán ra thị trường. Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo.
Cơ quan hải quan cho rằng việc tự lắp ráp thủ công các sản phẩm trong nước tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng không cao, chỉ khoảng 1-2%, do đó căn cứ vào các quy định thì không thể cho rằng đây là sản phẩm "Made in Vietnam", có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, theo kết quả điều trathì Asanzo giả mạo xuất xứ cả những điều lô hàng trong nước và xuất đi ngoài nước. "Cả linh kiện, tem nhãn, phiếu bảo hành cũng in ở nước ngoài. Trong nước chỉ là công đoạn lắp ráp rất đơn giản thôi", ông Cẩn nói.
Về thuế, theo kết luận Thanh tra thuế số 650/KLTT-CT ký ngày 15.10 của Cục Thuế TP.HCM và các hồ sơ liên quan cho thấy Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên đứng tên để nhập hàng về bán lại cho Asanzo. Asanzo mua linh kiện điện lạnh từ các công ty Trần Thoàn, Việt Tài, An Thiên, sau đó gia công lại một phần rồi lắp ráp thành phẩm, dán tem Asanzo và bán cho doanh nghiệp cũng thuộc tập đoàn Asanzo.
Mua linh kiện nhưng Asanzo lại ghi nội dung hóa đơn là mặt hàng thành phẩm để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn.
Do đó, Cục Thuế TP.HCM đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Asanzo với các hành vi vi phạm về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, về giao dịch liên kết, về bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, mua linh kiện rồi thuê gia công lắp ráp nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt…
Ngoài ra, Asanzo còn bị xử phạt với tình tiết tăng nặng do có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm. Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 47,6 tỉ đồng.
Trong đó, truy thu thuế giá trị gia tăng là 21,3 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 7,7 tỉ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 11,5 tỉ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 10,3 tỉ đồng, số tiền chậm nộp là 1,6 tỉđồng, phạt vi phạm hành chính về thuế là 5,4 tỉ đồng...
Về dấu hiệu vi phạm giả mạo nhãn hiệu, Phó tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, hiện tại, Asanzo chưa thanh toán dịch vụ như trong hợp đồng đã ký kết với Công ty Sharp Roxy Hong Kong ngày 24.1.2017 do chưa xin được xác nhận của Bộ Khoa học -Công nghệ về việc chuyển giao công nghệ. Tại họp báo, đại diện Bộ Khoa học -Công nghệ cho biếtđã có công văn trả lời Asanzo, theo hợp đồng chưa có nội dung thể hiện chuyển giao công nghệ nên chưa thể cấp giấy chứng nhận.
Với dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa, ông Nguyễn Văn Cẩn nhiều lần yêu cầu đại diện các cơ quan trình bày ngắn gọn, tập trung việc Asanzo có gian lận xuất xứ hàng hóa tiêu thụ trong nước hay không. Tuy nhiên, phần lớn cho biết "chưa thể kết luận việc này".
Phát biểu ý kiến, đại diện Bộ Công Thương khẳng định qua thực tế làm việc và xác minh thông tin, đơn vị này cơ bản đồng ý với báo cáo tổng quan của Tổng cục Hải quan.
Đối với hàng hóa xuất khẩu của Asanzo, Bộ Công Thương nhận định với kết quả kiểm tra đạt được, tập đoàn này đã vi phạm những quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ về quản lý ngoại thương. "Có thể coi hàng mà Asanzo xuất đi nước ngoài không phải xuất xứ Việt Nam", đại diện Bộ Công Thương nói.
Với hàng hóa lắp ráp, tiêu thụ, lưu thông trong nước, Bộ Công Thương cho biết hiện chưa có quy định cụ thể nên rất khó để kết luận. Bộ đang xây dựng thông tư về ghi nhãn hàng hóa “Made in Vietnam”.
Tuyết Nhung