Doanh nghiệp Việt đừng ‘tham bát bỏ mâm’ để cho hàng nước khác đội lốt hàng mình

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:58, 31/10/2019

“Vừa rồi hải quan bắt được rất nhiều, mở contairner toàn made in Vietnam dù đó là hàng nhập, như vậy họ đã in ngay nhãn mác từ nước ngoài để gian lận xuất xứ rồi. Do đó, cơ quan hải quan cần phải kiểm tra rất kỹ và quan trọng là phải xử phạt thật nặng”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị.

Tại cuộc họp liên ngành với các cơ quan chức năng ngày 28.10, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biếtcác cơ quan chức năng đã phối hợp phát hiện và tạm giữ 1,8 triệu tấn nhôm trị giá khoảng 4,3 tỉ USDđang chờ xuất khẩu, chủ yếu sang Mỹ và một số thị trường khác.

Tổng cục Hải quan cho biết đây là vụ việc có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay. Theo ông Cẩn, phía hải quan Mỹ trao đổi với Tổng cục Hải quan rằng, kể cả khi doanh nghiệp dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi. Hiện phía Mỹ cũng đã vào cuộc điều tra vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hayviệc đội lốt hàng hóa, giả mạo xuất xứ đã tồn tại từ lâu chứ không phải mới đây và có xu hướng gia tăng trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Và việc này mang đến rủi ro lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Thịnh chia sẻ, việc lượng nhôm có trị giá 4,3 tỉ USD là rất lớn. Tuy nhiên, trong thương vụ này, phần của doanh nghiệp Việt Nam thu được rất ít, lợi nhuận chủ yếu vẫn thuộc về doanh nghiệp nước đã làm gian lận xuất xứ.

“Mức thuế mà Mỹ đánh vào nhôm Trung Quốc là hơn 374%, trong khi đó nhôm Việt Nam vào Mỹ chỉ phải chịu mức thuế 15%, thuế chênh gần 25 lần. Nếu họ lẩn tránh được thuế thì với nguồn lợi cực lớn thu được, họ sẵn sàng chi đủ để dụ dỗ các doanh nghiệp ở Việt Nam giúp họ thay đổi xuất xứ của số lượng nhôm này”, ông Thịnh nói.

Theo chuyên gia này, khi Việt Nam ký kết được nhiều hiệp định thương mại với các quốc gia thì hàng hóa của Việt Nam vào đó được ưu tiên, khiến số lượng hàng hóa tăng lên, tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt. “Tuy nhiên, nếu như không cẩn trọng về xuất xứ thì tự chúng ta hại chúng ta, vì chỉ khi là hàng hóa của Việt Nam thì mới được ưu tiên, còn cho người ta đội lốt hàng hóa thì sẽ bị phạt và đánh thuế rất cao”.

“Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam sẽ bị tăng cường kiểm tra, khiến thời gian kiểm tra lâu hơn, dẫn đến thời gian lưu kho, lưu bãi và các chi phí khác tăng lên, khiến giá thành cao lên, đồng thời giảm đi năng lực cạnh tranh.Các doanh nghiệp Việt đừng vì lợi ích nhỏ mà “tham bát bỏ mâm”, làm hại cả một ngành hàng của Việt Nam”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ôngThịnh, phía cơ quan quản lý cần phải quản lý chặt chẽ, có giải pháp bịt các lỗ hổng gian lận xuất xứ. Các cơ quan quản lý xem xét những mặt hàng nào có tốc độ tăng đột biến thì phải chú ý kiếm tra ngay, xem có thực sự tăng do nhu cầu thị trường hay không, hay là tăng do đội lốt xuất xứ.

“Vừa rồi hải quan bắt được rất nhiều, mở contairner toàn made in Vietnam dù đó là hàng nhập, như vậy họ đã in ngay nhãn mác từ nước ngoài để gian lận xuất xứ rồi. Do đó, cơ quan hải quan cần phải kiểm tra rất kỹvà quan trọng là cần xử phạt thật nặng. Hiện nay, mức phạt đối với hàng giả, hàng nhái, giả xuất xứ chưa đủ mạnh. Nếu mức phạt nặng thì các doanh nghiệp có ý đồ gian lận cũng phải dè chừng”, ông Thịnh nói.

Không chỉ cảnh báo sự gian lận xuất xứ, giới chuyên gia cũng nêuhình thức “núp bóng” đầu tư để lấy C/O từ Việt Nam, tận dụng xuất xứ hàng hóaViệt Nam để hưởng lợi khi xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam có FTA. Các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần hết sức cảnh giác trong chiến lược thu hút FDI, phân biệt được các loại đầu tư để ngăn chặn việc núp bóng đầu tư này.

Ông Thịnh còn cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo để các doanh nghiệp tỉnh táo, thận trọng trong hợp tác làm ăn, đón nhận những dòng đầu tư từ nước ngoài; hướng tới làm ăn bài bản, chân chính, tránh cách làm ăn chụp giật, chạy theo những lợi ích trước mắt, tiếp tay cho các hành vi lợi dụng, núp bóng, gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí thiệt hại đến các ngành sản xuất trong nước.

LS.Nguyễn Tiến Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét,dù đã có hệ thống cảnh báo phòng vệ thương mại cùng với việc quản lý nguồn gốc qua chứng nhận xuất xứ... nhưng vẫn còn tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí có gian lận về xuất xứ, do có tới 70 - 80% hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế 0%, sau khi các FTA được thực thi.Một số ngành có nhiều nguy cơ bị lợi dụng ưu đãi xuất xứ có thể kể đến là gỗ, gỗ dán, điện tử, da giày...

“Điều này tiềm ẩn nguy cơ nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trở thành đối tượng của hoạt động trừng phạt thương mại hoặc áp đặt thuế quan các biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Hòa nói.

Theo đó, LS.Hòacho rằng việc xác định rõ ràng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam) đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đã tham gia vào CPTPP cũng như hàng loạt các FTA thế hệ mới. Nếu làm không đúng, Việt Nam sẽ bị đánh giá là để cho các doanh nghiệp lạm dụng nguồn gốc của quốc gia trong khi nguồn gốc Việt Nam đang được hưởng ưu đãi thuế trong nội khối đó.

“Khi thị trường Việt Nam bị đánh giá là “có vấn đề” thì bất cứ một lô hàng nào xuất đi sẽ bị kiểm soát hoặc phảiđi vào luồng đỏ. Điều này không chỉ tổn hại đến doanh nghiệp mà còn tổn hại đến uy tín quốc gia. Việt Nam không nên bịcoi là nơi mà một số quốc gia lợi dụng làm điểmxuất khẩu hàng hóacủa họ qua việc gian lận nguồn gốc xuất xứ”, ông Hòa nêu quan điểm.

Lam Thanh

Bùi Trí Lâm