Triển lãm lớn nhất thế giới kỉ niệm 500 ngày mất của Leonardo da Vinci

Văn hóa - Ngày đăng : 08:28, 04/11/2019

Bao gồm hơn 160 tác phẩm nổi tiếng, show triển lãm hoành tráng nhất từng có về Leonardo da Vinci đang diễn ra nhân kỉ niệm 500 năm ngày mất của học giả - bậc thầy hội họa người Ý. Louvre, bảo tàng đông khách hàng đầu thế giới, dành hẳn 1 thập niên chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt quy mô này.

Dựa trên bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng đang trưng bày tại Louvre -- địa chỉ lưu trữ nhiều nhất hiện nay khối di sản hội họa của Leonardo, gồm 5 bức tranh cùng 22 bản vẽ -- triển lãm được lên kế hoạch thực hiện từ 10 năm trước. Chương trình giới thiệu đến công chúng hơn 160 tác phẩm, một số thuộc danh sách cho mượn từ nhiều đơn vị uy tín ở Ý, Đức, Nga, Mỹ, Anh, và Pháp.

Toàn bộ tác phẩm -- tranh, bản vẽ, bản thảo chép tay, tượng điêu khắc và đồ tạo tác -- được trưng bày trong khu đại sảnh Napoleon của bảo tàng suốt 4 tháng bắt đầu từ ngày 24.10.2019. Sự kiện hứa hẹn có thể thu hút 7,000 lượt khách thăm quan mỗi ngày.

Một trong những bức họa đắt giá nhất thế giới - ‘Salvator Mundi’ (Ảnh: Tolga Akmen)

Khan hiếm về ‘lượng’

Tập hợp di sản nghệ thuật sót lại đến nay của học giả đại tài người Ý ít ỏi đến khó tin: chỉ có 15-20 bức tranh vẫn đang tồn tại được cho là do đích thân Leonardo sáng tác. Hai trong số chúng -- ‘Mona Lisa’ và ‘The Last Supper’ -- tuy nhiên, lại nổi tiếng như những kiệt tác hội họa đắt giá nhất thế giới.

Phần lớn tác phẩm của Leonardo quá mỏng manh, gây nên khó khăn khi vận chuyển. Mặt khác, đối với gallery hoặc bảo tàng, có trong tay một trong những bức vẽ quý giá đã đủ khiến họ tạo lập danh tiếng toàn cầu. Vấn đề cho mượn - chuyển dời chúng, do đó, đòi hỏi quá trình thương thuyết cẩn trọng và hoạch định tốt công tác hậu cần.

‘Head of a Woman’ (‘La Scapigliata’), 1501-1510 (Ảnh: Galleria Nazionale di Parma)

Hai chuyên gia giám tuyển phụ trách triển lãm lần này, Vincent Delieuvin và Louis Frank, đã mượn được 6 bức họa của Leonardo, cùng với 5 tác phẩm sẵn có tại Louvre, nâng tổng số lên 11 bức. Triển lãm tranh Leonardo trước đó, tổ chức ở gallery quốc gia London, từng giới thiệu 9 bức họa.

“Với chúng tôi mọi chuyện dễ hơn một chút. Chúng tôi đã có sẵn 5 tác phẩm, vốn chiếm 1/3 trong toàn bộ lượng tranh vẽ còn lưu lại ngày nay của Leonardo”. Vicent Delieuvin trả lời phóng viên CNN từ Paris.

“Phần đông đồng nghiệp đều nhiệt tình giúp đỡ trong việc cho mượn tác phẩm. Đây sẽ là sự kiện triển lãm mỹ thuật lớn nhất trong lịch sử về Leonardo, với bộ sưu tập rất có thể là xuất sắc nhất gồm những di sản hội họa cũng như bản thảo khoa học của ông".

‘La belle ferronnière’ (‘Chân dung Một phụ nữ Vô danh’) (Ảnh: Wikipedia)

6 tác phẩm tranh được mượn bao gồm 5 bức thuộc sở hữu những bảo tàng quốc gia và 1 thuộc về nhà sưu tầm tư. Chúng sẽ cùng xuất hiện tại triển lãm với ‘Mona Lisa’, ‘Mary and Child with Saint Anne’, ‘Saint John the Baptist’, ‘Virgin of the Rocks’ và tác phẩm chân dung gây nhiều tranh cãi ‘La Belle Ferronnière’ (Portrait of an Unknown Woman).

“Đây là danh sách rất ấn tượng”, Luke Syson, chuyên gia từng phụ trách giám tuyển triển lãm Leonardo năm 2011 tại gallery quốc gia London, nhận xét.

“Tôi hiểu phía Louvre đã gặp vô số khó khăn để chuẩn bị chỉnh chu một triển lãm quy mô mức này, và không ít rắc rối khi thảo luận thủ tục cho mượn tranh”.

Nhóm giám tuyển tại Paris tiết lộ, họ đã có thể ‘chiêu mộ’ thêm 3 tác phẩm nổi tiếng khác của Leonardo đang trưng bày ở Florence, Ý. Thế nhưng, vì lý do pháp lý cũng như điều kiện chất lượng tranh không cho phép di dời, chúng sẽ không xuất hiện trong đợt triển lãm kéo dài này.

‘Star of Bethlehem’, 1505-1510 (Ảnh: The Royal Collection - Windsor)

Khác với tranh khung, khá nhiều bản vẽ do Leonardo thực hiện còn lưu giữ trong tình trạng nguyên vẹn đến tận ngày nay. Thuộc khuôn khổ triển lãm 2019, Louvre giới thiệu hàng loạt bản vẽ nháp cho một vài tác phẩm tranh của Leonardo, số khác là bản thảo nghiên cứu giải phẩu học mang đường nét, chi tiết ngoạn mục.

Đáng chú ý hơn cả là mẫu bản thảo nghiên cứu tỉ lệ cơ thể người - ‘Vitruvian Man’, một trong những tác phẩm hình họa nổi danh nhất thế giới.

‘Vitruvian Man’ là một trong những bản vẽ đặc biệt của Leonardo hiếm khi được công khai trưng bày (Ảnh: Getty)

Qua ‘lăng kính’ khoa học

Theo nhóm chuyên gia giám tuyển, khó khăn hơn hết không nằm ở khâu tìm kiếm, tập hợp chuỗi tác phẩm triển lãm. “Chướng ngại lớn nhất với người làm chuyên môn chính là học cách hiểu Leonardo da Vinci. Quá trình chuẩn bị về mặt khoa học, tham khảo tài liệu cần thiết, nghiên cứu về cuộc đời Leonardo là nhiệm vụ phức tạp nhất”. Delieuvin cho biết.

Mục tiêu kể trên đòi hỏi đội ngũ ở Louvre phải tham khảo cuốn tiểu sử nghiên cứu tỉ mỉ về Leonardo, viết bởi sử gia mỹ thuật Giorgio Vasari, xuất bản vào thế kỉ 16. Bên cạnh đó phải kể đến nhiều phân tích khoa học gần đây xoay quanh những tác phẩm tranh Leonardo.

‘Virgin and Child’ (‘The Benois Madonna’), 1480-1482 (Ảnh: Reuters)

“Khâu nghiên cứu nội dung giúp chúng tôi hiểu một cách hoàn thiện hơn cá tính nghệ thuật của vị danh họa bậc thầy, người được cho là luôn theo thuyết cầu toàn. Ông không thường xuyên vẽ, nhưng mỗi lần cầm cọ, Leonardo đều nỗ lực tạo ra những chỉnh thể tác phẩm xuất chúng, tuyệt đẹp trước mắt nhìn”, Delieuvin nói.

‘Mona Lisa’ và ‘Salvator Mundi’

Một ý nghĩa quan trọng ở triển lãm mới là nhằm tái khẳng định tầm ảnh hưởng đặc biệt của hội họa trong cuộc đời và sự nghiệp Leonardo. Theo Delieuvin, học giả người Ý đã thông qua mỹ thuật để phát triển những lĩnh vực chuyên môn khác, từ nghiên cứu thực vật học, giải phẫu học, đến toán học và khảo nghiệm khoa học nói chung.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Leonardo, bức ‘Mona Lisa’, dẫu có tên trong danh sách triển lãm, vẫn được đặt tại vị trí cố định trước nay ở tầng 1 bảo tàng Louvre. (Ảnh: Getty)

Giải thích nguyên nhân phía tổ chức giữ nguyên ‘Mona Lisa’ tại phòng trưng bày trung tâm ngay tầng 1 bảo tàng, thay vì di dời tác phẩm sang không gian triển lãm mới, Delieuvin nói: “Chúng tôi rất muốn gọp chung ‘Mona Lisa’ vào chương trình lần này, nhưng mỗi ngày bức họa thu hút đến 30,000 khách thăm quan. Sức chứa khu triển lãm chỉ có thể đáp ứng 5,000 khách thường nhật, 7,000 trong đêm khai mạc. Do quan ngại về lượng người tham dự quá tải, chúng tôi đành phải để bức họa yên vị trí cũ”.

Khách thăm quan có thể dùng chính vé thăm quan triển lãm Leonardo như vé vào cửa để đến ‘nhìn ngắm’ chân dung nàng ‘Mona Lisa’. Dù vậy, nhiều khả năng họ sẽ phải xếp hàng chờ đợi.

Tuy nhiên, ở triển lãm mỹ thuật tôn vinh một danh họa vốn có góc nhìn cấp tiến, người yêu nghệ thuật năm nay có thể thử trãi nghiệm ‘Mona Lisa: Beyond the Glass’ - một chương trình VR (thực tế ảo) cho phép khách thăm quan chiêm ngưỡng gần hơn bức họa mà không cần lo ngại đám đông chen chúc hay những cây gậy selfie chắn tầm nhìn.

Bản tranh ‘De Ganay Salvator Mundi’ ở bảo tàng Louvre (Ảnh: PBS NewsHour)

Triển lãm ở Louvre cũng ra mắt công chúng ‘Salvator Mundi’, tác phẩm từng lập kỉ lục về giá bán, với số tiền đấu giá lên đến 450 triệu USD. Bức họa hiện thuộc quyền sở hữu của quốc vương Ả-rập Mohammed bin Salman, dù địa điểm cất trữ chính xác của nó không được công bố. “Chúng tôi rất nhiều lần hỏi mượn bức họa, từ lúc nó vẫn thuộc về nhà sưu tầm người Nga Dmitry Rybolovlev. Nhưng đến giờ bảo tàng chưa nhận được lời xác nhận nào.”

Dẫu bản gốc tác phẩm danh tiếng không thể có mặt tại Louvre năm nay, người xem sẽ được thưởng lãm 1 phiên bản khác đã qua phục chế với tên thường gọi ‘bản tranh De Ganay’ - do thuộc sở hữu của gia đình quý tộc lâu đời Ganay, Pháp.

Sự kiện triển lãm kéo dài ‘Leonardo Da Vinci’ diễn ra tại bảo tàng Louvre, Paris, từ 24.10.2019 đến 24.2.2020.

Như Ý (nguồn: CNN)

nhu y