Nên điều chỉnh giá điện 1 năm 2 lần để tránh gây sốc

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:32, 05/11/2019

Đề xuất trên được nhóm nghiên cứu đưa ra tại Hội thảo "Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam" ngày 5.10.

Đề xuất tính giá bán lẻ điện theo 5 bậc thang

PGS.TS Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách Khoa Hà Nội) - Chủ nhiệm đề án cho biết đang đề xuất 3 kịch bản với giá bán lẻ điện sinh hoạt tương ứng với 3, 4 và 5 bậc thang.

Theo đó, kịch bản giá điện 3 bậc thang rút gọn từ 100 kWh đến trên 400 kWh. Kịch bản 4 bậc sẽ rút gọn bậc từ 100 kWh đến trên 600 kWh, còn phương án giá chia 5 bậc thang gồm dưới 100 kWh đến trên 700 kWh.

Ông Bùi Xuân Hồi đánh giá, 3 phương án trên đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội trong khi doanh thu của EVN giảm nhẹ. Nhưng ở phương án chia 3 bậc thang thì hộ gia đình dùng 101-200 kWh sẽ trả chi phí tăng nhiều nhất, bình quân 12.000 đồng một tháng.

Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn phương án giá bán lẻ điện chia 5 bậc thang, bỏ bậc thang 50kWh đầu tiên và kéo dài bậc thang lên tới trên 700kWh.

"Phương án 5 bậc phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá, trong đó, hộ tiêu dùng bậc từ 101-200 kWh một tháng (là hộ tiêu dùng phổ biến, lớn nhất hiện nay) chịu tác động ít nhất trong 3 phương án. 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình", ông Hồi chia sẻ.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, phương án 5 bậc thang như đề xuất là hợp lý, phù hợp với điều kiện tiêu thụ điện của các hộ gia đình Việt Nam."Nếu chia bậc thang điện quá ít thì sẽ không phản ánh đúng mức độ tiêu dùng điện, không tiết kiệm năng lượng", ông Long cho hay.

Nên luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện

PGS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, điện là sản phẩm đặc biệt, là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, các hộ gia đình. Bất kỳ một sự thay đổi nào của giá điện cũng ảnh hưởng đến toàn xã hội. Do đó, cần phải làm rõ để xã hội hiểu về ngành Điện, hiểu về cơ cấu hình thành nên giá điện.

“Điện được sản xuất từ nhiều nguồn nhiên liệu khác nhau. Khi nguồn nhiên liệu đầu vào tăng, thì giá điện cũng phải tăng. Trước đây, khi chúng ta khai thác than ở độ sâu 10m, chi phí sẽ khác với việc hiện nay khai thác ở độ sâu 100 m. Than là nhiên liệu đầu vào của ngành điện, than tăng, điện cũng phải tăng…”, ông Trần Văn Bình nhấn mạnh.

Đồng tình với việc luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, ông Bình cho rằng, đặc thù của ngành điện là giá thành biến động giữa các năm. Ví dụ, khi mưa nhiều, huy động thủy điện cao thì giá điện sẽ giảm và ngược lại. Tuy nhiên, những năm qua, thời gian điều chỉnh giá điện thưa (khoảng 2 năm/lần), nên mỗi lần điều chỉnh thường gây “sốc” cho xã hội. Do đó, nên luật hóa quy định điều chỉnh giá điện 2 lần/năm.

Cũng theo ông Trần Văn Bình, việc tính toán giá điện cũng cần phải tính đến mức phí khuyến khích năng lượng tái tạo. Thời gian qua, điện mặt trời tạo nên cơn sốt, bởi Chính phủ khuyến khích với mức giá mua điện 9,5 cents (hơn 2.000 đồng/kWh). Trong khi đó, giá bán điện trung bình chỉ khoảng 1.700 đồng/kWh. Nếu đứng ở góc độ kinh doanh, EVN càng mua càng lỗ. Do đó, việc khuyến khích năng lượng tái tạo nhưng cần phải có cơ chế, không thể bắt ngành Điện gánh.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Tịnh - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường đề xuất nên điều chỉnh giá điện 2 hoặc 4 lần một năm để "tránh gây sốc".

Theo ông, điện đang hướng tới thị trường bán lẻ cạnh tranh nên chính sách giácũng cần phải đảm bảo nguyên tắc thị trường, nhất là trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang cận kề. Ngoài ra, khi giá hợp lý sẽ thu hút đầu tư vào ngành này, khắc phục được tình trạng "ngành điện teo tóp, bán dưới giá thành" như hiện nay.

Cũng để tránh gây sốc cho người dân nhưng một số ý kiến khác đề xuất có thể điều chỉnh 6 tháng một lần (tức hai lần trong một năm) và cần luật hóa quy định điều chỉnh giá. "Điều chỉnh như vậy giá sẽ lên, giảm từ từ, chứ không gây sốc cho người tiêu dùng vì bị nén quá lâu như vừa qua và điều chỉnh tăng giảm phù hợp với thị trường", ông Lê Hồng Tịnh nhận xét.

Tuyết Nhung

tuyetnhung