Kỳ 16: Nhà tư tưởng Voltaire và những khai sáng bên tách cà phê

Văn hóa - Ngày đăng : 09:00, 06/11/2019

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Thế kỷ 18, phong trào khai sáng (Le Siècle des Lumières) đã làm thay đổi cục diện văn hóa, kinh tế, xã hội… châu Âu. Quán cà phê trở thành không gian khởi xuất những ý tưởng đưa con người tiến lên lối sống mới.

Từ thế kỷ 17, châu Âu chứng kiến sự chuyển hóa sâu sắc về quan hệ con người trong xã hội. Trật tự xã hội phong kiến khắp nơi đều đang trên bước đường lung lay sụp đổ. Những cuộc chiến vô nghĩa, sự gia tăng của bạo lực khiến cho lòng tin của con người với người giảm sút, ý thức trì trệ, trí tuệ thui chột và mất khả năng tiếp thu những điều mới mẻ.

Khủng hoảng niềm tin với chính mình, tầng lớp học giả tinh hoa đương thời dù có nhiều quyền lợi liên quan đến chế độ phong kiến cũng đã tự đặt ra nhiệm vụ cấp thiết: sáng tạo thế giới mới. Con người không còn ảo tưởng phục hưng lại xã hội quá khứ với niềm tin đặt vào thần thánh. Họ hướng vọng về tương lai tốt đẹp được xây dựng từ sức mạnh lý tính, sức mạnh trí tuệ và sự sáng tạo.

Đặc tính quan trọng của thời kỳ này là tinh thần thoát ly tư duy cũ, dám bộc lộ tư tưởng của mình trước đám đông công chúng. Phát biểu của cha đẻ Chủ nghĩa Duy nghiệm (Empiricism), nhà triết học Francis Bacon: “Tri thức là sức mạnh!” trở thành phương châm, ngọn hải đăng dẫn đường hướng tới thời đại khai sáng.

Chính giai đoạn này, cà phê và hàng quán cà phê từ phương Đông du nhập vào châu Âu đã đóng vai trò xúc tác cho những ý tưởng mới, truyền bá tri thức thúc đẩy phong trào khai sáng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tại những quốc gia có văn hóa thưởng thức cà phê đặc trưng như Pháp, Ý, Anh, Đức…

Quán cà phê là không gian độc đáo, tại đó mọi người, không phân biệt tầng lớp đều có thể gặp gỡ chia sẻ quan điểm cá nhân, thảo luận những sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu lĩnh hội và quảng bá tri thức. Vì thế, hàng quán cà phê trở thành trung tâm khởi xuất ý tưởng, chuyển hóa tư duy trong thời kỳ khai sáng.

Phong trào khai sáng châu Âu phát triển rực rỡ nhất trong thế kỷ 18, đặc biệt thăng hoa ở Pháp, tập trung tại những đại lộ cà phê Saint-Germain des Prés, Boulevard du Montparnasse, Boulevard Montmartre… Một trong những đại diện giới tri thức khai sáng tiêu biểu của Pháp trong thời kỳ này là Voltaire, bút danh của François-Marie Arouet (1694 - 1778).

Voltaire sinh ra và lớn lên trong gia đình cấp thấp của giới quý tộc Pháp. Sống dưới sự kiềm kẹp, kiểm soát khắc nghiệt của chính quyền phong kiến Louis XIV, Louis XV. Gia đình Voltaire đã cố gắng ép buộc ông thừa kế sự nghiệp gia đình thay vì theo đuổi hoài bão của bản thân. Tuy nhiên, Voltaire là người có tư duy nhạy bén với mặt trái xã hội đương thời và ý chí đấu tranh rất kiên cường. Ông dùng tài năng của mình viết những lời thơ châm biếm công kích thói đạo đức giả, sự cuồng tín, các tập tục xấu, đồng thời tỏ rõ hướng vọng về xã hội tự do, công bằng.

Gặp phải sự ganh ghét của giới quyền thế, năm 1726 Voltaire sang Anh sống lưu vong. Tại đây, Voltaire tìm đến những không gian cà phê mà người Anh đương thời tôn vinh là “Đại học một hào - Penny University”. Ông gặp gỡ, trở thành bạn của giới tri thức Anh như Alexander Pope, Jonathan Swift, John Gay, Edward Young… Trong những buổi tranh luận, ông tiếp cận tư tưởng của những nhà khai sáng Francis Bacon, Isaac Newton, John Locke, William Shakespeare…

Xã hội cà phê Anh quốc ảnh hưởng rất lớn đến lý tưởng của Voltaire. Ông nhận diện rõ những giải pháp và có niềm tin sẽ xây dựng được một xã hội tiến bộ. Năm 1729, Voltaire trở về Pháp. Ông cùng cộng sự thu thập hơn 21.000 cuốn sách – một con số khổng lồ ở thời điểm đó – cùng nhau, họ nghiên cứu lịch sử, những nền văn minh, khoa học tự nhiên, khám phá siêu hình học liên quan đến bản thể và những gì nằm ngoài vật chất… Bút lực Voltaire đặc biệt mạnh mẽ trong giai đoạn này, những tác phẩm Trần tục (Le Mondain), Luận về con người (Discours sur l’homme), Luận về tục lệ và tính cách các quốc gia (Essai sur les moeurs et l’esprit des mations), Candide… gây tiếng vang mạnh mẽ trong cộng đồng.

Trong thời gian đó ông phát hiện cà phê có tác động tích cực đến tinh thần, khiến con người trở nên thông thái hơn. Ấn tượng với vai trò của cà phê trong diễn trình sáng tạo xã hội các dân tộc phương Đông, Voltaire trở thành tín đồ yêu thích cà phê. Ông uống đến hơn 40 tách cà phê mỗi ngày và thường xuyên đến quán Café de Procope chia sẻ, hoàn thiện cơ sở lý luận về tinh thần khai sáng cùng những nhà tư tưởng Rousseau, Diderot, D'Alembert…

Bên tách cà phê, Voltaire đọc, nghiên cứu và viết miệt mài trên mọi thể loại văn học kịch, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận, luận bàn lịch sử, khoa học… Ông là học giả người Pháp tiên phong nghiên cứu về sự tiến bộ của nền văn minh thế giới trong bối cảnh toàn cầu, những thành tựu nghệ thuật, khoa học bắt nguồn từ nghiên cứu thực tiễn, loại bỏ các yếu tố thần học. Voltaire đã viết hơn 2.000 đầu sách lớn nhỏ cùng 20.000 thư tay như cách để phổ biến tri thức. Voltaire tin rằng dùng sức mạnh tri thức để giáo dục quần chúng sẽ đạt được sự tiến bộ xã hội. Ông từng khẳng định “Càng hiểu biết, con người càng tự do - Plus les hommes seront éclairés, et plus ils seront libres”.

Tác phẩm của ông ảnh hưởng rất lớn đến sự chuyển hóa ý thức xã hội. Người ta nhận định rõ chính con người là chủ thể tạo nên lịch sử và tương lai của chính mình. Nói cách khác, con người có thể giải phóng bản thân kiến tạo tương lai mới.

Cùng với sự phát triển của xã hội cà phê Pháp trong thế kỷ 18, tác phẩm của Voltaire được phổ biến rộng hơn trong các hàng quán cà phê. Tư tưởng của ông tác động đến mọi tầng lớp giai cấp, đặt nền tảng cho phong trào trí tuệ, phong trào khai sáng nước Pháp. Từ phong trào này, tinh thần sáng tạo thực sự được vinh danh và thực hiện đúng vai trò của nó trong việc đưa xã hội tiến lên nền văn minh mới với sự phát triển rực rỡ về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, kinh tế… mang lại cho con người những quyền tự do, bình đẳng vốn phải có. Và như thế, không gian cà phê dù muốn dù không đã gắn liền với tiến trình tỉnh thức nhân tình thế thái theo chiều hướng con người muốn thăng hoa số phận từ chính tư duy minh triết của chính mình.

Đón đọc kỳ sau: Đại văn hào Honoré de Balzac “Khi tôi uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện”

T.N.L