Nhà máy đóng tàu Dung Quất: Không sản phẩm vẫn trả lương tháng cho 2.200 người

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:47, 07/11/2019

Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) xác nhận nhiều năm dài nhà máy không có sản phẩm nhưng doanh nghiệp phải "gồng mình" trả lương, bảo hiểm đều đặn cho 2.200 kỹ sư, công nhân.

Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội cho biết sau 13 năm thành lập, đến nay Công ty TNHH một thành viênCông nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) hoạt động cầm chừng, bên bờ vực phá sản.

Ông Lương Minh Hải - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viênCông nghiệp tàu thủy Dung Quất xác nhận khoản nợ lớn từ thời Vinashin tồn tại kéo dài khiến doanh nghiệp tham gia đấu thầu tìm kiếm sản phẩm đầu vào lao đao. Lợi nhuận của DQS bị âm nhiều năm qua nên doanh nghiệp tham gia vào các cuộc đấu thầu nhiều lần bị loại ngay từ vòng đầu.

Tài sản cố định của DQS chưa quyết toán phần lớn được đầu tư từ các dự án thời Vinashin. Nhà máy này có hiệu suất sử dụng tài sản thấp, chỉ đạt khoảng 20-30%. Nhiều trang thiết bị không phù hợp, lạc hậu hoặc không đạt chất lượng để tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh dẫn đến chi phí khấu hao hằng năm của doanh nghiệp rất lớn.

Lãnh đạo DQS xác nhận nhiều năm dài nhà máy không có sản phẩm nhưng doanh nghiệp phải "gồng mình" trả lương, bảo hiểm đều đặn cho 2.200 kỹ sư, công nhân (mức lương từ 3,5 đến 20 triệu đồng mỗi tháng/lao động).

Lũy kế đến thời điểm ngày 31.12.2018, vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH một thành viênCông nghiệp tàu thủy Dung Quất âm 1.259,7 tỉ đồng, đơn vị không bảo toàn được vốn đầu tư của chủ sở hữu. Riêng năm 2018, doanh nghiệp lỗ 29,95 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm 2017 lỗ tăng thêm 139%.Đáng chú ý, hiện nhà máy đóng tàu Dung Quất đang nợ gần 7.000 tỉ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức -0,02%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức -0,08%. Còn hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là -5,4 lần cho thấy Công ty Công nghiệp tàu thủyDung Quất đang mất khả năng thanh toán.

Dự án Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) phê duyệt đầu tư từ năm 2005, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.198 tỉ đồng, giao cho Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất làm chủ đầu tư (DQS).

Dự án đầu tư thành hai giai đoạn, nhưng đến nay cả hai giai đoạn đều chưa hoàn thành, trong khi hơn 4.000 tỉ đồng đã rót vào dự án.

Giai đoạn 1 khởi công năm 2003, đến tháng 10.2015 đã rót vào hơn 3.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, còn nhiều hạng mục dở dang, không đưa vào hoạt động như cầu tàu nhập nguyên vật liệu, khu nhà điều hành... Từ năm 2012, dự án đã tạm dừng. Giai đoạn 2 khởi công năm 2007, đến tháng 10.2015 đã giải ngân hơn 979 tỉ đồng, song nhiều hạng mục cũng dở dang không hoạt động. Dự án cũng phải dừng từ 2012.

Vinashin từng đặt tham vọng biến Nhà máy đóng tàu Dung Quất thành nơi đóng mới tàu có tải trọng tới 300.000 DWT, công suất đóng mới tàu đạt 1,1 triệu DWT/năm. Thế nên, các hạng mục đều được đầu tư quy mô vô cùng hoành tráng.

Nhưng đến nay, hình hài nhà máy là một xưởng sửa chữa tàu cũ, nhiều hạng mục thi công dở dang phải dừng vì càng làm càng lỗ. Còn bản thân Công ty TNHH một thành viênCông nghiệp tàu thủy Dung Quất cũng phải chuyển sang cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản khi Vinashin sa lầy. Đến nay, công ty này nằm trong danh sách đen, là mộttrong 12 dự án/doanh nghiệp yếu kém của ngành công thương.

Tuyết Nhung

tuyetnhung