Bác sĩ thẩm mỹ đang xem thường sức khỏe bệnh nhân
Sự kiện - Ngày đăng : 07:17, 08/11/2019
Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas có đủ yếu tố để khởi tố hình sự?
Vì sao chưa xử lý Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas sau khi để khách hàng thiệt mạng?
TP.HCM: Đóng cửa Thẩm mỹ viện hút mỡ bụng cho cô gái mang thai
Xăm chân mày tại thẩm mỹ viện ở TP.HCM, một phụ nữ nguy kịch
Không tuân thủ quy trình, phát đồ điều trị
Tình hình tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM trong thời gian gần đây xảy ra ngày càng nhiều, với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Chỉ trong vòng hơn 2 tuần gần đây đã có đến 3 người làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM phải tử vong và nhiều người đang dối diện với tình trạng biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng.
Tại Hội nghị quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM do Sở Y tế TP.HCM tổ chức vào chiều 7.11, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa - Phó Phòng nghiệp vụ Y (Sở Y tế TP.HCM) cho rằng nhiều cơ sở thẩm mỹ hiện nay chưa quan tâm, thậm chí không quan tâm, tuân thủ đến quy trình khám, chữa bệnh cũng như phát đồ điều trị cho bệnh nhân.
Cụ thể nhất là hồ sơ bệnh án tại các cơ sở thẩm mỹ gần như không được ghi chép đầy đủ, nhiều bệnh viện thẩm mỹ còn “chế biến” hồ sơ bệnh án. “Hồ sơ bệnh án không chỉ bảo vệ cho bệnh nhân mà còn bảo vệ các cơ sở thẩm mỹ khi có xảy ra sự cố. Hồ sơ bệnh án là để chứng minh cơ sở thẩm mỹ đã thực hiện những gì trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân. Nhiều cơ sở thẩm mỹ khi để xảy ra sự cố, thậm chí chết người thì khai có khám tiền sử, có xử lý bệnh nhân thế này, thế kia, nhưng trong hồ sơ bệnh án lại không thể hiện điều đó. Chúng ta phải hiểu rằng, án tại hồ sơ nên những điều không thể hiện trong hồ sơ bệnh án là không có giá trị pháp lý”, bà Thoa chia sẻ.
Bà Thoa cũng chỉ ra yếu kém của các cơ sở thẩm mỹ hiện nay trong việc xử lý những tai biến. Các cơ sở thẩm mỹ không có hệ thống kích hoạt báo động đỏ liên viện để nhờ sự giúp đỡ của các bệnh viện tuyến cuối. Các bác sĩ của những bệnh viện tuyến cuối sẽ trực tiếp đến nơi để xử lý. “Nhiều trường hợp bệnh nhân khi rơi vào tình trạng nguy hiểm, cần phải được cấp cứu và xử lý tại chỗ, nếu chuyển viện lúc đó, bệnh nhân có thể chết trên đường. Các cơ sở thẩm mỹ lại không làm được điều này, cứ xảy ra sự cố thì chuyển viện và đến nơi thì đã không kịp”, bà Hoa nói.
Bên cạnh đó, bà Thoa cũng cho biết một số cơ sở thẩm mỹ hiện nay còn cho thuê, mướn phòng mổ. Điều này dẫn đến những sai phạm, nhất là các bác sĩ thuê, mướn phòng mổ để mổ thì không có đăng ký hành nghề tại cơ sở, nhưng lại hành nghề tại đây. Trong trường hợp đã xảy ra sự cố, tai biến y khoa thì cơ sở thẩm mỹ cho thuê, mướn phòng mổ phải chịu trách nhiệm.
Theo các cơ quan chức năng, hiện công tác quản lý nhà nước hiện nay tại các cơ sở thẩm mỹ tư nhân còn rất yếu kém, nhân lực còn nhiều hạn chế.
Về điều này, ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Quyền Chánh thanh tra sở Y tế TP.HCM cho biết qua thanh tra, kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ cho thấy phần lớn sai phạm là quảng cáo quá phạm vi chuyên môn; hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; hành nghề vượt quá phạm vi; hồ sơ bệnh án chưa ghi chép đầy đủ; nguồn thuốc, thiết bị không rõ nguồn gốc...
Xem nhẹ sức khỏe bệnh nhân
PGS.TS.BS Lê Hành - Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM cho rằng, việc biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các cơ sở thẩm mỹ hiện nay chưa thực hiện đúng quy trình trong việc xử lý những tình huống tai biến trên.
“Nếu chúng ta theo đúng quy trình thì sẽ xử lý được những tình huống tai biến. Các cơ sở thẩm mỹ khi xảy ra tai biến thì báo cáo, sau khi mổ tới 18 giờbệnh nhân tỉnh, 21 giờ bệnh nhân lơ mơ khó thở... Vậy thời gian đó, các cơ sở thẩm mỹ đã làm gì đối với bệnh nhân mà để cho bệnh nhân xảy ra tử vong”, bác sĩ Hành nói.
Chia sẻ về điều này, bà Thoa cũng cho biết, hiện nay y bác sĩ ở các cơ sở thẩm mỹ không được tập huấn thường xuyên về phát đồ điều trị. Vì thế khi xảy ra sự cố, bệnh nhân rơi vào nguy kịch không biết xử lý cái nào trước, cái nào sau rồi dẫn đến làm sai.
Bác sĩ Lê Hành cũng thẳng thắn nhìn nhận các đồng nghiệp của mình chưa thật sự gắn bó với bệnh nhân, chưa theo dõi từng nhịp tim, nhịp thở. Những bác sĩ tim mạch, hô hấp, thận... họ theo dõi bệnh nhân từng hơi thở, từng thời khắc, còn bác sĩ thẩm mỹ lại coi nhẹ vấn đề này. Ngành thẩm mỹ ngoài y khoa còn là ngành kinh tế, kiếm tiền nhiều hơn. Sau lưng còn có những nhà tài trợ bỏ ra. Nhu cầu cao đẩy bác sĩ thẩm mỹ đi chệch con đường.
“Các bác sĩ thẩm mỹ phải xem bệnh nhân như khách hàng, đừng xem bệnh nhân như món hàng. Khi xem bệnh nhân là món hàng, các bác sĩ sẽ tìm mọi cách để moi móc, làm những điều không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân”, bác sĩ Lê Hành thẳng thắn nói.
Bác sĩ Lê Hành cũng chỉ ra sự “bát nháo” của các cơ sở thẩm mỹ hiện nay, đó là nhiều bác sĩ còn đang ngồi trên ghế nhà trường đi ra ngoài làm thẩm mỹ được quảng cáo có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, từng tu học ở nước ngoài, thậm chí bác sĩ mới ra trường còn phong cả giáo sư, hơn 20 năm kinh nghiệm. Do đó, bác sĩ Hành đề nghị cần phải siết chặt quảng cáo này, nếu thì thị trường thẩm mỹ bị loạn, ảnh hưởng cho tôn ti trật tự ngành y.
Sẽ thanh, kiểm tra toàn bộ các cơ sở thẩm mỹ
Theo ông Lê Minh Hùng - Phòng Quản lý dịch vụ (Sở Y tế TP.HCM) hiện trên địa bàn TP có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện có phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (chăm sóc da, spa, phun xăm).
Theo quy định, những phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động, chỉ cần có công văn thông báo Sở Y tế TP. Nếu những người hành nghề ở cơ sở thẩm mỹ này đủ điều kiện (người hành nghề được các cơ sở đào tạo cho phép cấp chứng nhận) thì sẽ được Sở Y tế công nhận và thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của ngành y tế. Hiện nay chỉ có 8 cơ sở thẩm mỹ như trên được Sở y tế TP công nhận.
Do đó, hiện nay việc quản lý các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là địa bàn quận 10 - nơi tập trung các cơ sở thẩm mỹ của TP.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên - Trưởng phòng y tế quận 10 cho biết hiện địa phương có 65 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 229 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (chăm sóc da, phun, xăm, spa). Công tác quản lý các cơ sở thẩm mỹ ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Những sai phạm của các cơ sở thẩm mỹ là thường xuyên đăng tải thông tin chưa có giấy phép quảng cáo, nội dung quảng cáo chưa được phép, bác sĩ chạy “sô”, mổ chui...
Tuy nhiên, để phát hiện những sai phạm của các cơ sở thẩm mỹ ở đây là rất khó khăn vì họ tìm cách che giấu hành vi, thực hiện các kỹ thuật làm rất nhanh chỉ khoảng 15 đến 20 phút, gắn camera để đối phó... Hơn nữa, các cơ sở này không tiết lộ thông tin khách hàng, bác sĩ nên không thể xác minh cụ thể.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong thời gian tới Sở này sẽ có những giải pháp thiết thực hơn để quản lý các cơ sở thẩm mỹ cũng như những người hành nghề thẩm mỹ đang ngày một gia tăng như hiện nay, nhất là các cơ sở hành nghề không được Sở Y tế TP cấp phép, và nhóm trả hình, lén lút.
Ngoài thông qua kênh truyền thông báo chí, ông Thượng cho biết sẽ đẩy mạnh sự giám sát của người dân đối với hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ. Để làm được điều này, Sở Y tế TP sẽ phải tạo một phần mềm ứng dụng công khai để người dân khi phát hiện những sai phạm của các cơ sở thẩm mỹ chỉ cần chụp hình gửi trực tiếp,Thanh tra Sở Y tế tiếp nhận và lập tức xuống ngay hiện trường kiểm tra, xử lý.
“Việc làm này sẽ nhanh chóng, các cơ sở thẩm mỹ không kịp đối phó; chứ đợi báo chí đăng tải thông tin thì cơ sở thẩm mỹ đã biết và tìm cách đối phó nên khi lực lượng chức năng có đến kiểm tra cũng không phát hiện sai phạm", ông Thượng chia sẻ.
Ông Thượng cũng cho hay từ nay đến ngày 31.12.2019, Thanh tra Sở Y tế TP sẽ tiến hành thanh, kiểm tra bộ các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP. Sở Y tế TP sẽ công khai chất lượng các cơ sở thẩm mỹ để người dân biết lựa chọn nhằm đảm bảo an toàn cho những người có nhu cầu làm đẹp.
Hồ Quang