Lo ngại nợ xấu tăng trở lại do rủi ro từ dự án BOT
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:19, 08/11/2019
Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8.2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 968.890 tỉ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8.2019 về 1,98%.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý 3/2019 của nhiều ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu của không ít nhà băng đang gia tăng. Cụ thể, tại NamABank, nợ xấu của nhà băng này đang là 1.496 tỉ đồng, tăng tới 91% so với đầu năm, trong đó chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này cũng tăng từ 1,54% lên 2,37%.
Nợ xấu của ABBank cũng tăng vọt lên 1.766 tỉ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng từ mức 1,89% hồi đầu năm vọt lên 3,39%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng ước tính cũng đã tăng lên 2,78%.
Còn tại MB, tổng nợ xấu của nhà băng này đã tăng 29%, lên mức là 3.703 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,33% lên 1,54%. Tương tự, nợ xấu tại OCB cũng tăng 38% lên mức gần 1.779 tỉ đồng. Trong khi đó, tại Kienlongbank, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,94% lên 1,07%.
Không riêng gì những ngân hàng thương mại cổ phần, tại nhóm “ông lớn” quốc doanh, nợ xấu cũng tăng mạnh. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã vượt mức trên 2%, trong đó nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tăng tới 70% lên 12.194 tỉ đồng.
Đáng chú ý, mới đây, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu. Những dự án BOT, BT giao thông đang có dư nợ khoảng 53.000 tỉ đồng, có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Trước đây, báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cảnh báo, việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn. Nguyên nhân là do các dự án này có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài; năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế; tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định; nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu rất lớn…
Trước tình trạng này, tại buổi họp báo hoạt động ngân hàng quý 3/2019 diễn ra tháng 10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói rằng, ngân hàngvẫn sẽ quan tâm và cố gắng trong điều kiện, khả năng cho phép để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, các bộ, ngành phải làm rõ các chính sách liên quan đến BOT để không gây ra rủi ro như vấn đề thu phí BOT, vấn đề đặt trạm thu phí…, vì nó tác động trực tiếp tới nhà đầu tư xây dựng, đi cùng đó là những khoản vay của hệ thống ngân hàng thương mại.
Về lâu dài, cần có cơ chế khơi thông nguồn vốn cho giao thông, tránh phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.
Cũng đánh giá về tình hình nợ xấu, Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng, việc tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam tiếp tục giảm và đạt mức 4,84% tính đến tháng 8 năm nay là kết quả của cả hệ thống sau quá trình tập trung xử lý nợ và cải thiện chất lượng tài sản.
Các ngân hàng trong giai đoạn vừa qua cũng đã nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu cũng như tăng cường trích lập dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro. Do vậy, trong thời gian sắp tới, rủi ro gia tăng nợ xấu trên toàn hệ thống sẽ không quá lớn.
Phan Diệu